Bắt tay cùng có lợi
Tháng 4 vừa qua, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Viettel An Giang - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã tổ chức lễ ký kết hợp tác giữa kênh ViettelPay An Giang và BHXH An Giang. Đây có thể xem là sự phối hợp đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Giám đốc ViettelPay An Giang Võ Hoàng Công cho biết, kênh ViettelPay hiện nay được phát triển trên nền tảng Bankplus mà Viettel đã triển khai trước đây. Khi Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel ra mắt, trở thành thành viên thứ 8 của Tập đoàn Viettel, được xem là mảnh ghép cuối cùng của Viettel trong quá trình chuyển dịch số, hướng đến giai đoạn kiến tạo xã hội số.
“Tại An Giang, ViettelPay đã phát triển được hơn 1.000 điểm giao dịch, phủ khắp vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới. Năm 2019, có khoảng 30.000 khách hàng An Giang thanh toán điện tử qua ViettelPay, cao gấp 9 lần năm trước. Hiện nay, có hơn 80 điểm trường học với trên 4.000 giáo viên trên địa bàn tỉnh được trả lương qua ViettelPay. Điều này cho thấy khuynh hướng chuyển dịch thanh toán số đang diễn ra nhanh” - ông Công đánh giá.
Theo Giám đốc ViettelPay An Giang, thời gian tới, ViettelPay dự kiến phát triển từ 3.000-4.000 điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh. Người dùng ViettelPay được miễn phí mở tài khoản, duy trì tài khoản và các giao dịch phát sinh trên ứng dụng ViettelPay. “Với số điểm giao dịch rộng khắp, người dùng sẽ rất tiện lợi trong thực hiện giao dịch nạp tiền, rút tiền từ tài khoản ViettelPay” - ông Công nhấn mạnh.
Với việc ký kết hợp tác, kênh ViettelPay An Giang sẽ cung ứng cho BHXH tỉnh các dịch vụ như: thực hiện công tác tuyên truyền chế độ, chính sách, quy định của nhà nước về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); vận động, thu tiền, lập danh sách người tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình và người tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng (trừ đối tượng học sinh, sinh viên) để chuyển cho cơ quan BHXH trên địa bàn tỉnh. Kênh ViettelPay An Giang có trách nhiệm nhận sổ BHXH, thẻ BHYT từ cơ quan BHXH để trả cho người tham gia đúng thời hạn. ViettelPay sẽ thông báo cho người tham gia biết trước thông tin khi đến hạn đóng tiền, đồng thời tra cứu số BHXH khi có yêu cầu của các tổ chức, cá nhân.
Cần đồng bộ
Có thể thấy, thông qua hợp tác giữa BHXH tỉnh và Viettel An Giang, thời gian tới, Viettel sẽ là đại lý thu BHXH, BHYT cho BHXH An Giang qua hình thức thương mại điện tử, cụ thể là ViettelPay tại tất cả các kênh bán hàng của Viettel. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Diệp Thành Bưu cho biết, việc hợp tác sẽ tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT bởi ở ấp nào trên địa bàn An Giang cũng có cửa hàng Viettel, việc chuyển dịch thanh toán số còn đảm bảo an toàn, quản lý dễ dàng hơn.
“Sau khi ký kết hợp tác, BHXH tỉnh và Viettel An Giang cùng xây dựng kế hoạch thực hiện, khi có hướng dẫn của Trung ương là bắt tay vào hành động ngay. An Giang là tỉnh được BHXH Việt Nam cho thí điểm hợp tác sử dụng dịch vụ của kênh ViettelPay, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân, tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến BHXH cho mọi người lao động. Khi Viettel trở thành đại lý thu cho BHXH tỉnh qua ViettelPay, việc chi, thu sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn” - ông Bu đánh giá.
Trên thực tế, những ứng dụng thanh toán bằng ví điện tử như: ViettelPay, MoMo, ZaloPay… ngày càng được nhiều người sử dụng bởi tính tiện ích và an toàn của nó. “Lúc trước, điện thoại hết tiền phải chạy ra cửa hàng mua thẻ cào, rồi cào lấy mã số mới nạp tiền. Đôi khi gặp trục trặc, nạp cả tiếng đồng hồ vẫn chưa được.
Từ khi xài ViettelPay, cần nạp tiền điện thoại chỉ cần thao tác trên ứng dụng, nhập mã OTP (được gửi qua số điện thoại di động) xác thực là có tiền ngay, lại còn được giảm 5%. Ở vùng này bây giờ, việc chuyển tiền cho con cháu đi học, trả lãi ngân hàng, thanh toán tiền điện đều thực hiện trên ứng dụng ViettelPay” - chị Trương Thị Hằng (ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, Thoại Sơn) thông tin.
Đối với anh Trần Thanh Nhàn (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên), từ khi sử dụng thẻ Visa, ứng dụng ViettelPay và MoMo, anh không cần phải mang theo nhiều tiền mặt khi ra đường. “Cơ quan trả lương qua ngân hàng, tôi đăng ký thanh toán tiền điện qua tài khoản để ngân hàng tự trừ luôn, khỏi mất công đợi người đến nhà thu hàng tháng. Đi siêu thị hay các cửa hàng tiện ích, quẹt thẻ thanh toán là xong. Ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn có dán QRcode, chỉ cần dùng điện thoại quét mã thanh toán. Mua hàng trên các trang thương mại điện tử, tôi cũng thanh toán trước qua thẻ visa” - anh Nhàn chia sẻ.
Tuy nhiên, việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay vẫn còn những bất cập, thiếu đồng bộ khiến người dùng gặp khó khăn. “Không phải cửa hàng, quán ăn nào cũng chấp nhận thanh toán thẻ hay có mã QR để quét. Giữa các ví điện tử và một số ngân hàng chưa có sự liên thông nên việc chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như với ViettelPay, chưa thể chuyển tiền vào tài khoản Agribank.
Hiện nay, tiền điện có thể thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử nhưng tiền nước thì chưa thanh toán số được, vẫn sử dụng nhân viên đến thu tiền mặt tại nhà, khi mình không có ở nhà thì phải tự xuống công ty đóng tiền. Đó là những sự thiếu đồng bộ cần tháo gỡ để khuyến khích người dân thanh toán số, hạn chế dùng tiền mặt” - anh Nhàn đề xuất.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ Công thương phải hoàn thành việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.
|
NGÔ CHUẨN