Đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm

17/10/2023 - 06:18

 -  Hướng tới nâng cao chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị hàng hóa, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN) để phát triển bền vững. Đồng thời, thay đổi tư duy và tập quán canh tác, nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, nhất là đối với nông dân.

Việc liên kết tiêu thụ góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp

Nhiều kết quả khả quan

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm vừa qua, tình hình liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp có những tín hiệu khả quan. Vụ đông xuân 2022 - 2023, các HTX, THT và nông dân xuống giống 41.136ha.

Các công ty  liên kết tiêu thụ 20.268/41.136ha, đạt 49,27% so diện tích ký hợp đồng. Đối với vụ hè thu 2022, kế hoạch liên kết và tiêu thụ 145.540ha, chiếm 63,58% diện tích xuống giống. Các DN đã ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân với diện tích 33.676ha. Qua đó, đã thu mua được 21.559ha, đạt 64,02% so diện tích thực hiện.

Riêng vụ thu đông 2023, kế hoạch liên kết và tiêu thụ 139.260ha chiếm 94% diện tích xuống giống. Các DN triển khai ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân thông qua các HTX, THT và các hộ nông dân hơn 22.000ha, đạt trên 15% so kế hoạch.

Ngoài ra, đối với rau màu, vụ đông xuân 2022 - 2023, các công ty thu mua được 3.309/18.400ha, đạt 18% so diện tích xuống giống. Vụ hè thu 2023, DN triển khai ký hợp đồng bao tiêu với diện tích 1.481/18.810ha, chiếm 7,87% so diện tích xuống giống.

Đối với cây ăn trái, các DN triển khai ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ xoài với diện tích 2.288,6ha, đạt 104,98% so diện tích kế hoạch. Hiện nay, có 8 DN có kế hoạch liên kết và tiêu thụ với diện tích 2.180ha, chiếm 12,43% diện tích cho trái.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều thuận lợi. Được vậy là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc gắn kết giữa DN và nông dân thông qua tổ chức đại diện nông dân để phát huy vai trò liên kết sản xuất giữa các bên. Việc tuyên truyền chính sách về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phần nào thúc đẩy mối liên kết giữa DN và nông dân. Đây là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững…

Nhiều giải pháp trọng tâm

Tuy nhiên, theo ông Trương Kiến Thọ, việc liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Diện tích liên kết vẫn còn khiêm tốn so với kỳ vọng. Tỷ lệ các diện tích sản xuất đạt các tiêu chuẩn và có chứng nhận chất lượng còn khá thấp so tổng diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, tập quán canh tác của người dân còn chậm thay đổi, ngại ký hợp đồng với các HTX và DN.

Ngoài ra, giá cả một số mặt hàng biến động liên tục, người dân không ký kết hợp đồng vẫn bán được cho thương lái bên ngoài nên chưa mạnh dạn tham gia liên kết. Mặt khác, một số DN liên kết chưa đảm bảo thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng, nên chưa đủ sức thuyết phục đối với nông dân. Năng lực của các HTX dù được cải thiện, nhưng vẫn còn chưa thật sự đủ mạnh để hỗ trợ thành viên tham gia chuỗi liên kết…

Thời gian tới, ngành nông nghiệp đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, đối với cây lúa, ngành nông nghiệp yêu cầu tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch sau khi đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt.

Đối với rau màu, ngành nông nghiệp yêu cầu rà soát các vùng trồng rau màu tập trung để đề xuất Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng. Tổ chức tập huấn, hội thảo để hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất. Tổ chức thực hiện kế hoạch theo Quyết định 3301/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với cây ăn trái, Sở NN&PTNT yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với DN chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất trong khâu liên kết, đảm bảo tuân thủ yêu cầu của HTX và DN…

ĐẶNG ĐỨC