Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.
Tuy nhiên, việc cưới, việc tang vẫn còn những hạn chế, như: tổ chức lãng phí, vụ lợi; ăn uống linh đình, nhiều ngày, nhiều nơi, mời nhiều khách; để xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm; dựng lán, nhà bạt, sử dụng loa âm thanh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư, vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Một số nơi vẫn còn tập quán lạc hậu, như: đưa đón dâu, đãi tiệc nhiều lần; đốt nhiều đồ mã, rải vàng mã và tiền trên đường đưa tang, khóc thuê, để thi hài quá lâu, xây dựng lăng mộ phô trương. Nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa gương mẫu trong thực hiện, còn dự tiệc cưới trong giờ hành chính.
Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trên, hướng đến xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong việc cưới, việc tang, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong việc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Từ đó, tạo ra những mô hình mẫu, điển hình thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ, thực hành tiết kiệm, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn, hủ tục trong việc cưới, việc tang.
Theo đó, việc cưới cần được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tụ, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Các thủ tục như: chạm ngõ, lễ hỏi, rước dâu cần được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rễ phải lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Tổ chức ăn, uống cần tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tổ chức lễ cưới và đưa đón dâu phải đảm bảo đúng pháp luật về an toàn giao thông và trật tự công cộng.
Đặc biệt, khuyến khích thực hiện các hình thức: báo hỷ thay cho mời dự tiệc cưới, tổ chức tiệc trà thay cho tổ chức tiệc mặn tại gia đình, hội trường cơ quan, nhà văn hóa… và không hút thuốc lá tại nơi tổ chức đám cưới; cơ quan, tổ chức hoặc đoàn thể xã hội đứng ra tổ chức lễ cưới; đặt hoa ở đài tượng niệm, nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương trong ngày cưới.
Việc tang phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; việc tang cần được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm; khi đưa tang phải đảm bảo an toàn giao thông và trật tự công cộng; không rải vàng mã trên đường đưa tang.
Việc quàn, chôn cất, hỏa táng, điện táng, bốc mộ và di chuyển thi hài, hài cốt phải được thực hiện đúng quy định về vệ sinh môi trường. Tang phục theo phục tục truyền thống của từng dân tộc và tôn giáo. Khuyến khích thực hiện hình thức hỏa táng và sử dụng băng, đĩa nhạc tang thay cho đánh trống, đờn, ca cổ…; hạn chế tràng hoa, tấm lụy; tổ chức 49, 100 ngày, giỗ đầu… nên hạn chế trong nội bộ gia đình và họ tộc.
Mặt khác, chính quyền địa phương các cấp phải có quy hoạch, kế hoạch và đầu tư kinh phí, từng bước xây dựng nghĩa trang thành công trình văn hóa tưởng niệm của địa phương. Việc chôn, cải táng, xây mộ phải nằm trong quy hoạch nghĩa trang phù hợp với quỹ đất, phong tục, tập quán của địa phương.
Mặt khác, quán triệt đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống phô trương, hình thức. Không lạm dụng công quỹ, phương tiện, tài sản công phục vụ mục đích cá nhân; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang.
MINH THƯ