Để đất hóa ngọt ngào

08/02/2023 - 06:58

 - Trước đây, nông dân gắn bó với đất trồng lúa, một lòng hướng về cây lúa. Nhưng đất “ngoảnh mặt quay lưng” với con người, tỏ thái độ bằng những vụ lúa kém hiệu quả. Ừ thì, con người đành thuận theo tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chiều lòng đất…

Vườn mãng cầu hoàng hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những vụ ngọt

Trên mảnh đất ruộng được gia đình truyền lại, ông Lê Dũng Mạnh (Giám đốc Hợp tác xã Mỹ An, xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc) trăn trở vô cùng. Đất nhiều, mà lợi nhuận thu lại sau mùa lúa chẳng là bao. Bỏ thì thương, vương thì tội. Mấy năm trước, có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái, ông chớp thời cơ, trồng 4.000 gốc mãng cầu hoàng hậu (na), 1.000 cây mít, 2.000 cây thanh nhãn, cùng một ít sầu riêng.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn rộng 10ha, ông Mạnh chia sẻ niềm vui khi cây trái đem lại “mùa ngọt”, vừa có năng suất, vừa đảm bảo chất lượng và đầu ra. Riêng mãng cầu được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao năm 2022. Cứ bán 1-2 trái mãng cầu, ông thu về từ 60.000-90.000 đồng/kg, chưa trừ chi phí. Tết vừa rồi, nguyên vườn mãng cầu của ông được bao tiêu trọn gói.

“Thị trường ưng ý loại trái này vì chúng to từ 600gr đến 1,2kg; thịt dai, ngọt thanh, ít hạt. Nông dân chúng tôi lại dễ canh tác, chỉ cần bón phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học, bao bọc thật kỹ trái trên cành. Mỗi năm, cần lặt lá 2 lần, mỗi lần kéo dài 10 ngày. Muốn cây cho trái dịp nào, cứ canh lặt lá trước 110 ngày là được. Có được hiệu quả như hôm nay, là quá trình học tập kinh nghiệm liên tục của chúng tôi, biết “lấy ngắn nuôi dài”. Đặc biệt, thổ nhưỡng vùng đất Vĩnh Châu khá tốt, nên chất lượng cây trồng được nâng cao” - ông Mạnh bày tỏ.

Không chỉ riêng ông Mạnh, mà rất nhiều nông dân trong tỉnh đã hưởng được những vụ mùa ngọt ngào, nhờ vào chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả. Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Quyết định 1994/QĐ-UBND, ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh), năm 2022, toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 6.000ha đất trồng lúa. Khi bắt tay vào thực hiện, tổng diện tích đã chuyển đổi trên toàn tỉnh hơn 5.000ha (đạt 82,8% kế hoạch). Trong đó, chuyển sang trồng nhóm cây màu 3.480ha (đạt 161,3% kế hoạch); nhóm rau dưa gần 950ha (đạt 70,6%); nhóm cây ăn trái 577ha (đạt 22,6%).

An Giang có hệ thống cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tận xã, nên việc tuyên truyền chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả được thực hiện sâu rộng đến nông dân. Trong tập huấn kỹ thuật canh tác, cán bộ kỹ thuật đều lồng ghép tuyên truyền các chính sách này. Mặt khác, điều kiện đất đai, khí hậu và nguồn nước thuận lợi phát triển rau màu, cây ăn trái. Trình độ sản xuất của nông dân ngày một nâng cao, họ cần cù, sáng tạo trong sản xuất. Việc luân canh giữa lúa - màu giúp hạn chế được sâu bệnh gây hại cho lúa vụ tiếp theo.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập ổn định cho nông dân, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn. Thủ tục đăng ký chuyển đổi cây trồng với cơ quan chức năng nhanh gọn, giúp nông dân dễ dàng thực hiện.

Tránh “mùa đắng”

Thực tế cho thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần gắn với chuyển đổi tư duy, cần đường hướng lâu dài, đồng bộ. Bất cập thường gặp nhất hiện nay là chưa có dự báo về nhu cầu thị trường (số lượng, chủng loại, giá cả, khả năng tiêu thụ trong, ngoài nước ở thời điểm hiện tại và tương lai), nhiều nông dân chưa chịu chuyển đổi...

Bên cạnh đó, máy móc phục vụ cho cây trồng được chuyển đổi có giá quá cao; tình trạng thiếu nhân công lao động trong thu hoạch diện tích lớn đang xảy ra. Đến khâu tiêu thụ, tỉnh chưa có nhiều nhà máy chế biến, vựa thu mua nông sản và chưa có nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao, cống bọng, để phục vụ cho vùng màu có diện tích lớn…

Báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư mong Trung ương cần có chính sách thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế đóng gói, kho lạnh bảo quản, chế biến xuất khẩu cho vùng sản xuất tập trung; đầu tư phát triển hoạt động dịch vụ hỗ trợ đầu ra cho nông dân (xúc tiến thương mại, thông tin dự báo giá cả, tìm kiếm và mở rộng thị trường...); xây dựng kênh thông tin giá cả làm chuẩn mực cho việc chốt giá giữa nông dân và doanh nghiệp.

“Trung ương cần có chính sách hỗ trợ sản xuất tập trung cho từng loại cây trồng chủ lực cho từng vùng khác nhau, không hỗ trợ manh mún; tiến tới thành vùng sản xuất đặc thù có hiệu quả cao để địa phương làm theo. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ tập huấn cho nông dân về kỹ thuật đối với loại cây trồng mới; nhà nước hỗ trợ ban đầu một phần về giống (mô hình thí điểm). Có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân chi phí chuyển đổi cây trồng và bảo hiểm cây trồng chuyển đổi; hỗ trợ chứng nhận, tái chứng nhận đối với một số loại sản phẩm cần chứng nhận tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề xuất.

Theo kế hoạch, tổng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng rau màu và cây ăn trái năm 2023 là 7.473ha. Trong đó, nhóm rau dưa hơn 1.460ha; nhóm cây màu 3.245ha; nhóm cây ăn trái 2.762ha.

GIA KHÁNH