Đến thăm vườn thực nghiệm

31/03/2022 - 07:05

 - Học tập đi đôi với trải nghiệm thực tế, tạo môi trường cho sinh viên được rèn luyện kỹ năng, rút ra bài học kinh nghiệm và giá trị sống, giúp các em phát triển toàn diện hơn. Đó là mục tiêu, động lực để cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên (Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học An Giang) xây dựng vườn thực nghiệm.

Dẫn tôi tham quan vườn thực nghiệm (mới được đưa vào sử dụng tháng 11/2021), cô Mỹ Duyên cho biết, khu vườn rộng khoảng 6.000m2. Trong đó, khu nhà lưới công nghệ cao được xây dựng với diện tích 1.000m2. Dù đưa vào hoạt động, phục vụ việc học tập, nghiên cứu không lâu, nhưng nơi đây là điểm đến lý thú của sinh viên công nghệ sinh học. Ngoài giờ học trên lớp, nơi đây trở thành địa điểm quen thuộc để các bạn trải nghiệm thực tế những gì tiếp thu qua sách vở.

Ngoài các loại hoa được trồng bên ngoài để phục vụ việc nghiên cứu, nhân giống, trong nhà lưới chủ yếu là cà chua các loại và dưa lê. Chỉ tay vào những dây cà chua có gắn ký hiệu, cô Duyên cho biết, tất cả đều là sản phẩm của sinh viên đang nghiên cứu, thử nghiệm.

“Xã hội ngày nay rất cần sinh viên có kiến thức, kỹ năng nhạy bén. Mong muốn của tôi là sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc được ngay. Thông qua hoạt động ở vườn thực nghiệm này, các em được trau dồi thêm kiến thức thực tiễn, tăng khả năng nghiên cứu và tư duy, phản biện. Điều này không chỉ giúp các em có được kết quả học tập tốt hơn, mà còn tích lũy kinh nghiệm quý báu từ thực tế, không bị bỡ ngỡ khi va chạm với thực tế, có thể tự tin khởi nghiệp nếu như có ý định” - cô Duyên chia sẻ. 

Vườn thực nghiệm là nơi các bạn sinh viên nghiên cứu, học tập

“Học mà chơi, chơi mà học”, bạn sẽ thấy được điều đó khi đến tham quan vườn thực nghiệm của cô Mỹ Duyên. Được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm những kiến thức vừa được học để cảm nhận chính xác giữa thực tế và lý thuyết, đó là điều kiện tốt nhất để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

“Khu vườn thực nghiệm đã giúp tôi có những trải nghiệm thực tế về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Ngoài ra, còn trang bị kiến thức bổ ích để tôi hiểu thêm thế nào là nông nghiệp sạch. Không chỉ có vậy, khu vườn thực nghiệm còn giúp tôi được gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên, được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong học tập, cuộc sống; giảm bớt áp lực sau giờ học trên giảng đường” - Nguyễn Minh Thắng (sinh viên năm thứ 3, ngành Công nghệ sinh học) bày tỏ.

Nhà lưới có các trang thiết bị hiện đại, như: Hệ thống phun sương, giá đỡ cây giống… Dưới sự hướng dẫn của cô Duyên, sinh viên có thể vận dụng kiến thức đã học để trồng cà chua, dưa lê phục vụ quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học cuối khóa. Có thể nói, đây là môi trường học tập và nghiên cứu tích cực, năng động cho sinh viên trong thực hành môn học, rèn luyện tay nghề suốt quá trình đào tạo chuyên ngành. Ngoài những buổi học chính thức và thực hành ở trường, nơi đây là lựa chọn không thể thiếu của nhiều sinh viên.

Với mô hình thực nghiệm này, không còn gói gọn trên lý thuyết nữa, mà các em có thể trực tiếp thực hành, trải nghiệm những kiến thức liên quan đến chuyên ngành đào tạo, như: Cách làm đất, chăm sóc cây trồng, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây… Cũng theo cô Duyên, qua vườn thực nghiệm này, có thể khơi dậy niềm hứng thú, say mê trong học tập đối với sinh viên, giúp các bạn bớt thời gian hoạt động vô bổ bên ngoài. Những sản phẩm sinh viên trồng, chăm sóc trong nhà lưới, cô Duyên đều để các bạn bán ra, sử dụng tiền thu được phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. 

“Niềm mong ước ban đầu khi tạo nên khu vườn thực nghiệm của tôi hiện đã đi đúng hướng, khơi dậy niềm yêu thích, ham học hỏi của sinh viên với ngành học mà mình đã chọn. Cũng có vài doanh nghiệp, sở, ngành đến vườn thực nghiệm tham quan, bày tỏ sự hài lòng cũng như mong muốn nơi đây sẽ là nơi tập huấn, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm không chỉ cho sinh viên, mà còn cho người dân có ý tưởng khởi nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới” - cô Duyên bộc bạch.

PHƯƠNG LAN