Điểm hẹn ở quán cà-phê khuyến nông

04/07/2022 - 07:51

 - Khởi động từ năm 2014, mô hình quán cà-phê khuyến nông ở huyện cù lao Phú Tân (tỉnh An Giang) nhận được sự đồng tình của nông dân khi trở thành cầu nối thiết thực giữa nông dân với các kỹ thuật viên, khuyến nông viên từ huyện tới xã. Đến nay, toàn huyện đã mở rộng được 8 quán/18 xã, thị trấn, trở thành điểm hẹn quen thuộc của các nhà nông để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để việc sản xuất nông nghiệp thêm hiệu quả.

Quán cà-phê khuyến nông đầu tiên trên địa bàn huyện được mở tại xã Phú Thành, đông đảo nông dân ủng hộ vì có tính hiệu quả. Từ ngày có quán cà-phê khuyến nông trong xã, anh Lê Hoàng Minh (ngụ ấp Phú Quới) tự nhận mình là “khách ruột”. Đều đặn hàng ngày, sau giờ đồng áng, anh Minh ghé quán cà-phê để tìm đọc tài liệu.

“Nhiều năm làm lúa, tôi thấy quá trình sản xuất bấp bênh, đồng lời ngày càng ít ỏi. Tôi có ý định chuyển đổi sang trồng cây khác nên dành thời gian ghé quán cà-phê tìm hiểu kỹ thuật trồng các loại hoa màu, khi nào thấy đủ vững tin thì bắt đầu thử nghiệm. Hầu hết sách bố trí tại đây đáp ứng nhu cầu tôi đang tìm. Có quán cà-phê này, nông dân có thể hỏi han, trao đổi kinh nghiệm với nhau thường xuyên hơn để chia sẻ cách sản xuất hiệu quả nhất” - anh Minh cho biết.

Nông dân sinh hoạt ở các điểm quán cà-phê khuyến nông

Quán cà-phê khuyến nông ở xã Phú Thọ cũng là một trong những điểm hoạt động xôm tụ, thu hút đông đảo nông dân đến họp mặt. Anh Huỳnh Thiện Tâm (khuyến nông viên xã Phú Thọ) cho hay, gắn liền với những ngày đầu quán ra đời, hàng tuần đều ghé thăm để lắng nghe ý kiến của nông dân. Câu chuyện thời sự buổi sáng của bà con xoay quanh tình hình giá cả thị trường, việc sản xuất, phòng bệnh trên vật nuôi hoặc cây trồng… Từ đó, khuyến nông viên tiến hành tư vấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật xử lý theo kiến thức chuyên môn. Những nội dung nào ngoài khả năng sẽ được báo cáo về Trạm Khuyến nông huyện để kỹ thuật viên tiếp tục hỗ trợ bà con.

Theo anh Tâm, đa số người dân rất ủng hộ mô hình này. Bởi trước đây, khi có thắc mắc trong sản xuất, nông dân không biết phải đi đâu, tìm ai để hỏi hoặc phải chờ đến ngày gặp cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn. Hiện nay, thông qua nguồn sách báo sẵn có, bà con tự tìm hiểu trước, những vấn đề chưa thỏa đáng sẽ trao đổi để được cán bộ giải thích sau.

Quán cà-phê khuyến nông được mọi người xem là cầu nối đảm bảo được nhu cầu, tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt được kỹ thuật, thêm hiểu biết. Ngược lại, cán bộ chuyên môn lắng nghe nhu cầu của nông dân, tình hình sản xuất thực tế để hỗ trợ bà con sát sao hơn, góp phần tăng hiệu quả và thu nhập, nhất là trong những năm qua, nông dân “xứ nếp” dịch chuyển dần từ sản xuất lúa, nếp sang các loại cây trồng, vật nuôi mới.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân thực hiện mô hình “Cà-phê khuyến nông” ở 3 xã, thị trấn, gồm: Chợ Vàm, Phú Xuân và Phú Hiệp. Quán nước giải khát của ông Lê Văn Tất Xi (ngụ ấp Phú Đông, xã Phú Xuân) là một trong số địa điểm mới được chuyển thành mô hình cà-phê khuyến nông đầu tháng 6/2022. Tại đây, trang bị tài liệu và các loại sách, báo khá đầy đủ. Tuy mới hoạt động nhưng thu hút khá đông nông dân đến tìm hiểu. Quán xôm tụ nhất vào mỗi buổi sáng, nội dung bàn luận xoay quanh quá trình canh tác lúa, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Khách đến quán, ông Tất Xi chủ động giới thiệu, hướng dẫn đọc các tài liệu cần thiết, như: Biện pháp trị lúa bị rầy, quản lý dịch hại… Còn những nông dân giàu kinh nghiệm sẽ nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn cho người ít kinh nghiệm hơn. “Ở vùng nông thôn, có quán cà-phê làm điểm sinh hoạt như thế này rất hữu ích. Điều gì không biết, bà con liền ra quán cà-phê để tìm đọc thông tin hoặc hỏi thăm nhau” - anh Hoa Thành Cư (khách hàng quán cà-phê khuyến nông) tâm đắc.

Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân Lê Phi Hùng thông tin, ngoài hỗ trợ nguồn sách báo, tài liệu cho nông dân đến xem, quán cà-phê khuyến nông là địa điểm để tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn liên quan về nông nghiệp, giúp nông dân gắn kết với nhau. Sau thời gian nhân rộng, mô hình quán cà-phê khuyến nông được đánh giá mang lại hiệu quả cao.

Để phát huy hiệu quả, thời gian tới, mô hình sẽ điều chỉnh phương thức phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Trong đó, sách hướng dẫn kỹ thuật, tài liệu lĩnh vực nông nghiệp sẽ được duy trì, cập nhật và cung cấp thường xuyên đến các điểm quán. Còn báo, tạp chí, bản tin giá cả thị trường… cần chuyển từ giấy sang hệ thống thông tin đường truyền internet.

Theo ông Hùng, quá trình từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp không thể thiếu vấn đề truyền thông nhanh chóng và kịp thời, góp phần định hướng sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân. “Định hướng này đã được đề xuất lên cấp trên để xem xét, hỗ trợ kinh phí đường truyền internet tốt hơn. Nếu đề xuất được ghi nhận, đây sẽ là kênh thông tin hữu ích cho nông dân, nắm bắt các thông tin nhanh hơn…

Theo đó, cán bộ khuyến nông sẽ hướng dẫn nông dân cách truy cập, tìm đọc những trang chính thống để chắt lọc thông tin, học hỏi có chất lượng. Quán hoạt động khuyến khích sự tương tác, trao đổi từ nông dân, với những thắc mắc, tìm kiếm thông tin có thể hỏi chủ quán hoặc gửi lại nội dung. Các vấn đề của nhà nông được chuyển đến khuyến nông viên để được giải đáp, cung cấp kiến thức theo yêu cầu” - ông Hùng cho hay.

MỸ HẠNH