Những năm gần đây, Mường Chà được biết đến là huyện có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Điện Biên. Do hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên cây dứa đã được huyện xác định là cây ăn quả chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả nhằm giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.
Từ một vài sào ban đầu, đến nay, diện tích dứa ở Mường Chà là 200ha, chiếm 62,3% tổng diện tích trồng dứa trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên. Đáng chú ý, để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, Mường Chà đã hướng người dân sản xuất theo hướng VietGAP.
Cây dứa ở Mường Chà chủ yếu là dứa nữ hoàng (dứa Queen) và được bà con gọi là "cây giảm nghèo" ở Mường Chà (Ảnh: T.L)
Giống dứa được địa phương lựa chọn chủ yếu là giống Queen (dứa nữ hoàng), là giống dứa phù hợp với thổ nhưỡng của Mường Chà, cho ra quả ngọt, thơm dịu lại chịu được bóng râm nên có thể trồng xen kẽ dưới tán cây cao su để nâng cao thu nhập.
Khi trồng, người dân phải tuân thủ theo kỹ thuật trồng đất dốc, các hàng dứa được trồng theo đường đồng mức để tránh xói mòn. Đặc biệt, người dứa Mường Chà luôn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo cho quả dứa sạch.
Theo bà con, so với ngô, lúa, đậu tương…, cây dứa là cây trồng đem lại thu nhập cao hơn 4-5 lần, lại dễ trồng, dễ chăm sóc. Dứa Mường Chà không chỉ là loại quả ngon, được nhiều người chọn mua mà hơn thế, nhờ trồng dứa, nhiều hộ đã vượt qua đói nghèo.
Anh Giàng A Chía, người dân bản Na Sang cho biết, cây dứa thực sự đã giúp gia đình anh thoát nghèo. Trước đây, 6 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào hơn 1ha đất trồng ngô, lúa nương nên năm nào cũng thiếu ăn, phải nhờ Nhà nước hỗ trợ. Gia đình anh bắt đầu trồng dứa từ 5 năm trước, và 3 năm gần đây đã thoát nghèo. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu khoảng 100 triệu đồng/vụ từ cây dứa.
Ngoài gia đình anh Chía, ở Mường Chà còn rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá dần lên nhờ trồng dứa theo hướng hàng hóa. Theo tính toán của ngành nông nghiệp địa phương, với năng suất 20 tấn/ha, trung bình 1ha dứa mang về cho người dân khoảng 50-60 triệu đồng.
Toàn huyện Mường Chà hiện có gần 300 ha dứa, chủ yếu tập trung ở ba xã Mường Mươn, Na Sang và Sa Lông. Mặc dù dứa ở Mường Chà đảm bảo chất lượng, có thương hiệu nhưng không phải lúc nào cũng bán được giá vì người dân chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc thông qua thương lái.
Anh Giàng A Chía, bản Na Sang, xã Na Sang thu hoạch dứa nữ hoàng chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: Vinh Duy
Trước vấn đề này, huyện Mường Chà đã tạo điều kiện và vận động người liên kết sản xuất thông qua HTX. Đến nay, huyện đã thành lập được 2 HTX là HTX dứa Na Sang và HTX Sa Lông. Theo đó, HTX đứng ra hỗ trợ người dân sản xuất, đồng thời đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho quả dứa.
Vai trò của các HTX càng được thể hiện rõ khi mùa dứa đầu năm, dù giá dứa giảm mạnh, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng những đoàn xe chở dứa ở Na Sang vẫn nối hàng về xuôi.
Đầu vụ, giá dứa 7.000 - 8.000 đồng/kg, dứa chưa chín đều nên sản lượng thấp (chiếm khoảng 15 - 20% tổng sản lượng). Từ đầu tháng 4/2020, công ty bao tiêu sản phẩm tạm dừng nhập dứa, phương tiện vận chuyển liên tỉnh cũng ngừng hoạt động nên việc tiêu thụ dứa bị ảnh hưởng rất lớn. Nhân cơ hội này, thương lái ở Sơn La, Hòa Bình liên tục ép giá, từ 8.000 đồng/kg xuống còn 5.000, rồi 3.000 đồng/kg. Có lúc giá dứa giảm “kịch sàn” xuống… 1.000 đồng/kg. HTX có 40 hộ trồng dứa bị thiệt hại, với diện tích khoảng 20 ha.
Trước nguy cơ vụ dứa thất bại, Chủ nhiệm HTX Na Sang Lê Minh Tâm đã nhiều lần về thành phố Điện Biên Phủ, sang tỉnh Sơn La liên hệ một số cơ sở sản xuất, chế biến để chào hàng với cam kết: “đúng mẫu mã, chất lượng theo yêu cầu của chủ thu mua”.
HTX Na Sang đã liên tục liên lạc với Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát để tìm cách “giải cứu” dứa giúp người dân. Sau nhiều nỗ lực từ hai phía, công ty đã bố trí được phương tiện vận tải lên thu mua dứa của người dân.
Ngay sau đó, hàng trăm tấn dứa được người dân tập trung về HTX Na Sang đợi cân và bốc xếp lên xe chở về nhà máy chế biến ở Nam Ðịnh.
Chính vì có HTX làm "bà đỡ" mà bà con ở Mường Chà ngày càng yên tâm khi đầu tư trồng dứa nữ hoàng. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho loại cây này cũng không quá lớn, cũng không đòi hỏi một trình độ canh tác quá cao so với khả năng của bà con nơi đây. Vì thế, cây dứa phát triển rất nhanh, từ 4-5ha vào năm 2012, đến nay dứa đã phủ kín nhiều nương vườn và vẫn đang tiếp tục được phát triển.
Theo THU HẰNG (Dân Việt)