Điều tra dân số, nhà ở, doanh nghiệp để hoạch định chính sách

07/04/2024 - 14:54

 - Từ ngày 1/4, Cục Thống kê thực hiện cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Kết quả của cuộc điều tra là cơ sở quan trọng, phục vụ công tác hoạch định các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của cả nước và tỉnh.

Cục trưởng Cục Thống kê Huỳnh Quang Minh cho biết, việc thu thập thông tin về dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 là cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2026 - 2030; giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc mà Chính phủ Việt Nam cam kết. Đồng thời, cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020 - 2024. Cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý, phục vụ nghiên cứu, phân tích, dự báo quá trình phát triển dân số, nhà ở giữa 2 kỳ tổng điều tra, đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

An Giang là địa bàn rộng, số hộ dân, nhà ở và lượng thông tin cần thu thập khá lớn. Tỉnh đề ra phương án, huy động gần 300 điều tra viên tham gia điều tra. 7 nội dung thông tin chính thu thập tại điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, gồm: Nhân khẩu học của các thành viên hộ; di cư; giáo dục; hôn nhân; lịch sử sinh của nữ từ 10 - 49 tuổi; người chết của hộ; nhà ở và điều kiện sống của hộ.

Điều tra viên thu thập thông tin điều tra dân số và nhà ở

Để thực hiện tốt cuộc điều tra này, Cục Thống kê thành lập tổ công tác cấp tỉnh và tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên cho việc cập nhật sơ đồ nền, địa bàn, lập bảng kê... Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn điều tra viên sử dụng, tích hợp thiết bị và phần mềm công nghệ thông tin trong công tác thống kê dân số, nhà ở. Công tác chọn mẫu các địa bàn, khu vực và hộ điều tra phù hợp được chuẩn bị kỹ.

Để thu thập thông tin, điều tra viên trực tiếp đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên điện thoại di động thông minh. Do đó, điều tra viên rất cần người dân cung cấp thông tin, để có thông tin đầu vào chính xác. Từ đó, có được bộ dữ liệu liên quan đến dân số và nhà ở, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

Ông Bùi Thiện Huấn (77 tuổi, ở phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi thấy cuộc điều tra dân số này rất ý nghĩa, sâu sát địa bàn, nắm rõ dân tình, để qua đó có những quyết sách phù hợp và “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cục trưởng Cục Thống kê Huỳnh Quang Minh thông tin, từ ngày 1/4, song song với điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ, điều tra doanh nghiệp (DN) năm 2024 cũng được triển khai. Cục Thống kê tiến hành cuộc điều tra DN diễn ra đến hết ngày 30/6, sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp thông qua hình thức thu thập thông tin trực tuyến. Đối tượng điều tra là cơ sở sản xuất - kinh doanh; thực hiện điều tra toàn bộ kết hợp điều tra chọn mẫu. Thời kỳ thu thập thông tin các chỉ tiêu của cuộc điều tra là số liệu năm 2023, với các chỉ tiêu thu, gồm: Kết quả sản xuất - kinh doanh, vốn đầu tư thực hiện, sản lượng sản phẩm sản xuất; về hoạt động xuất, nhập khẩu dịch vụ của DN và một số chỉ tiêu khác.

Theo ông Huỳnh Quang Minh, cuộc điều tra nhằm thu thập các thông tin về DN, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình KTXH, lập chính sách, kế hoạch phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, phục vụ tính chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), các chỉ tiêu thống kê khác. Việc cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ, đúng thời hạn là trách nhiệm và nghĩa vụ của các DN, góp phần vào sự thành công của cuộc điều tra. Kết quả điều tra giúp các cấp quản lý có cái nhìn toàn diện về tình hình phát triển kinh tế của khu vực DN, để hoạch định các chính sách đúng đắn, giúp DN ngày càng phát triển.

Hiện nay, Cục Thống kê tích cực chỉ đạo thực hiện công tác thu thập thông tin tại địa bàn, bảo đảm tiến độ và chất lượng thông tin thu thập. “Với ý nghĩa hết sức quan trọng, để cuộc điều tra đạt kết quả cao, ngành thống kê rất cần sự phối hợp của các đơn vị truyền thông, các sở, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra đến người dân. Đồng thời, cần người dân phối hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, góp phần đánh giá đúng thực trạng về DN, dân số, nhà ở của dân cư; sự phối hợp, hỗ trợ của các địa phương để cuộc điều tra được thuận lợi. Đặc biệt là tinh thần tích cực của lực lượng điều tra viên trong suốt quá trình điều tra” - ông Huỳnh Quang Minh chia sẻ.

Năm 2021, An Giang thực hiện cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ 6. Kết quả tổng điều tra đã phác họa được bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển KTXH của tỉnh và của từng ngành, lĩnh vực sau 4 năm phát triển (2017 - 2021). Với một cơ sở dữ liệu đồ sộ, gần 126.000 cơ sở kinh tế, sự nghiệp và tôn giáo, với đầy đủ các chỉ tiêu cơ bản: Số lượng cơ sở, lao động, kết quả sản xuất - kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin… đã mang đến nguồn thông tin phong phú, đa dạng. Qua đó, giúp các cấp lãnh đạo, nhà nghiên cứu, quản lý và nhà đầu tư sử dụng đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh hiệu quả.

THIÊN THANH