Điều trị F0 tại nhà, giảm áp lực các cơ sở y tế

08/12/2021 - 06:12

 - Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang đã được kiểm soát, nhưng diễn biến phức tạp, mỗi ngày có hàng trăm trường hợp được phát hiện mắc mới. Để giảm tải cho các cơ sở tiếp nhận điều trị, An Giang đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả việc cách ly, điều trị người mắc COVID-19 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.

Điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà giúp người bệnh an tâm điều trị và giảm tải ở cơ sở y tế

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, từ ngày 15-4 đến 6-12, toàn tỉnh có 25.423 trường hợp mắc COVID-19 (có 19 trường hợp tái dương tính). Qua phân tích số liệu nhiễm COVID-19 tại tỉnh An Giang cho thấy, số ca nhiễm trong cộng đồng, trong khu cách ly tập trung và khu phong tỏa trên 90%. Nguyên nhân do việc tổ chức cách ly tập trung một số lượng lớn người dân, không đảm bảo tuân thủ nguyên tắc “5K” dễ gây nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bên cạnh đó, một số địa phương có mật độ dân số cao, nhiều lớp nhà, khi có ca bệnh thì tổ chức phong tỏa rộng nhưng việc kiểm soát bên trong khu vực phong tỏa không chặt chẽ là nguy cơ dẫn đến lây nhiễm bên trong khu vực phong tỏa. Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch 650/KH-UBND, ngày 20-10-2021 của UBND tỉnh An Giang, việc đi lại của người dân không bị hạn chế, một số người dân không thực hiện tốt thông điệp “5K”, còn tụ tập đông người dễ gây lây nhiễm trong cộng đồng. Mặt khác, từ ngày 1-10-2021 đến nay, các địa phương tiếp nhận hơn 70.000 người về từ các tỉnh, thành phố có dịch cao (TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…), qua tầm soát phát hiện 1.551 trường hợp mắc.

Theo Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền, thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố thành lập 48 cơ sở thu dung điều trị F0, với tổng số 7.174 giường bệnh (trong đó, tầng 1 và tầng 2 có 6.974 giường bệnh; tầng 3 có 200 giường bệnh). Đồng thời, Sở Y tế An Giang đã tham mưu UBND tỉnh cho phép triển khai cách ly điều trị tại nhà trường hợp F0 không triệu chứng. Giai đoạn đầu triển khai thí điểm tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX Tân Châu; hiện tại đã mở rộng tất cả huyện, thị xã, thành phố. Song song đó, triển khai chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trong điều trị các trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ trong cộng đồng của Bộ Y tế tại An Giang.

Để giảm “gánh nặng” cho cán bộ y tế cơ sở trong công tác quản lý điều trị F0 thể nhẹ tại nhà, Sở Y tế đang triển khai thí điểm phần mềm quản lý, điều trị F0 (https://angiang.dieutrif0.vn) trên địa bàn TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc. Cụ thể, các F0 nhẹ có thể dùng điện thoại thông minh quét mã truy cập vào địa chỉ https://angiang.dieutrif0.vn để đăng ký được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ và điều trị tại nhà.

Khi đăng ký trên phần mềm, các F0 sẽ được bác sĩ hướng dẫn đo chỉ số sinh hiệu, nhận đơn thuốc, theo dõi giờ uống thuốc và kiểm tra sức khỏe trực tuyến. Phần mềm sẽ xử lý nhanh, kịp thời và không bỏ sót thông tin từ các F0. “Việc triển khai thực hiện phần mềm giúp giảm áp lực cho Trạm Y tế phường, khóm, ấp và Tổ COVID-19 cộng đồng. Chỉ cần 1 người có thể xử lý nhiều F0”- ông Trần Quang Hiền cho biết.

Để việc điều trị F0 tại nhà có hiệu quả, An Giang đã thành lập các Tổ COVID-19 cộng đồng để theo dõi, chăm sóc sức khỏe người mắc COVID,  sẵn sàng điều trị, cấp cứu, vận chuyển F0 có diễn biến nặng lên tuyến trên... Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà được ngành y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giám sát, hỗ trợ. Bên ngoài cửa có treo bảng thông báo “Địa điểm cách ly y tế” hoặc “Nhà có F0 đang điều trị”…, cung cấp cho bệnh nhân và người chăm sóc số điện thoại thường trực 24/24 giờ để tư vấn sức khỏe hoặc nhận yêu cầu hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp...

Anh N.V.T (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết: “Cách đây 7 ngày, tôi thấy hơi mệt mỏi, ho, sốt nhẹ… Đi mua test nhanh về tự kiểm tra thì phát hiện dương tính với COVID-19. Tôi báo ngay với Trạm Y tế phường. Sau khi nắm thông tin tình hình sức khỏe, tôi được tạo điều kiện cho cách ly, điều trị tại nhà. Việc cách ly, điều trị tại nhà tôi cảm thấy thoải mái về nơi ở, được người thân hỗ trợ vật dụng, thức ăn…

Hàng ngày, tôi uống thuốc theo chỉ định cán bộ y tế. Tự kiểm tra huyết áp, SpO2, xông hơi 2-3 lần/ngày, rửa mũi, xúc họng và uống thêm nước cam để tăng sức đề kháng cơ thể. Nhờ đó, qua 5 ngày điều trị tại nhà, tôi tự test kiểm tra thì kết quả âm tính. Tôi thấy việc để người mắc COVID-19 nhẹ, không bệnh nền điều trị tại nhà giúp người bệnh thoải mái tinh thần, an tâm điều trị… nhờ vậy cũng nhanh khỏi bệnh”.

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các ca mắc trong cộng đồng nhiều. Vì vậy, việc để các F0 nhẹ, không triệu chứng, không bệnh nền được cách ly, điều trị tại nhà sẽ phù hợp với nguyện vọng người dân, góp phần giảm áp lực y tế tuyến trên. Việc điều trị F0 tại nhà đã góp phần giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung tại tuyến xã và bệnh viện. Các bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng, như vậy sẽ giảm tải cho cơ sở y tế, đồng thời đảm bảo nhân lực y tế để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng và nặng. Để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong gia đình hoặc ra cộng đồng khi cách ly, điều trị tại nhà, F0 và người nhà cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, các thói quen vệ sinh, sinh hoạt. Qua đó, để công tác điều trị F0 thể nhẹ tại nhà đạt hiệu quả tốt nhất”- ông Trần Quang Hiền thông tin.

THU THẢO