Tốc độ phát triển nhanh
Từ địa phương nổi tiếng là “vựa lúa” của cả nước, những năm gần đây, An Giang “nhường” vị trí số 1 về sản lượng lúa cho Kiên Giang, dần chuyển đổi một phần diện tích sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt là cây ăn trái.
Theo số liệu Cục Thống kê tỉnh đến cuối năm 2020, diện tích cây ăn trái của An Giang là 17.421ha, trong đó xoài chiếm lớn nhất với 11.896ha (9.200ha đang cho trái), kế đến là cây có múi (1.516ha), mít (948ha), chuối (872ha), nhãn (481ha).
GS.TS Trần Văn Hâu (giảng viên cao cấp Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, An Giang và Đồng Tháp hiện là 2 tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất vùng ĐBSCL. Trong đó, An Giang có tốc độ bứt phá rất nhanh về diện tích cây ăn trái.
Đoàn công tác An Giang thăm nhà máy của Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, khuyến khích doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xoài tại tỉnh
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, trong diện tích xoài tại tỉnh, xoài tượng da xanh (xoài ba màu) chiếm lớn nhất với 7.400ha, tập trung chủ yếu ở 3 xã cù lao Giêng - Chợ Mới (6.100ha). Đối với xoài cát Hòa Lộc, diện tích khoảng 1.700ha, tập trung ở Tịnh Biên, Tri Tôn và một ít diện tích ở TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên.
Với xoài keo, diện tích hơn 1.500ha, tập trung ở An Phú và TX. Tân Châu. Riêng xoài Thái, có khoảng 16ha tập trung ở TP. Châu Đốc, trong đó có 10,7ha đã được cấp mã số vùng trồng (CODE) xuất khẩu sang thị trường khó tính (ngoài thị trường Trung Quốc), do Công ty TNHH TMDV Ánh Dương Sao đại diện.
Ngoài sản xuất vụ thuận (từ tháng 1 đến tháng 4, chiếm 70-80% sản lượng) và vụ nghịch (từ tháng 10 đến tháng 12, chiếm 20-30% sản lượng), nông dân cũng biết cách “điều khiển” cây xoài cho trái rải rác ở các tháng còn lại để bán giá cao, nhưng sản lượng không nhiều. Sản lượng xoài của tỉnh hiện ước khoảng 178.000 tấn/năm, lớn nhất là xoài ba màu (110.000 tấn/năm).
Theo ông Hiền, đến giữa tháng 3-2021, ngành chức năng đã cấp trên cây ăn trái 65 mã số xoài, 7 mã số chuối, 4 mã số mít và 19 mã số cho các cơ sở đóng gói (Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, An Phú). Trong số 65 mã số vùng trồng xoài (diện tích gần 7.952,4ha), có 35 mã số xuất khẩu sang thị trường khó tính với diện tích gần 757,4ha; 30 mã số đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc (7.195ha); 2 mã số đăng ký xuất khẩu sang thị trường EU của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit trên xoài keo tại An Phú (21,8ha).
Giải bài toán tiêu thụ
Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, hiện có một số công ty liên kết tiêu thụ xoài tại An Giang, như: Chánh Thu, Cát Tường, Kim Nhung, Hoàng Phát Fruit, Hoàng Phan, DT-PRO, Ánh Dương Sao, Vina T&T, Minh Long, Lefarm, Vân Nam, Nafoods Group, Antesco… Trên địa bàn tỉnh có 71 vựa xoài, trong đó có khoảng 15 vựa đóng Container xuất khẩu với sản lượng 300-400 tấn/ngày.
Mặc dù tốc độ phát triển nhanh, sản lượng lớn và có một số DN tham gia nhưng liên kết tiêu thụ xoài tại An Giang chưa bền vững, phần lớn diện tích thu hoạch bán cho thương lái với giá không ổn định.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Võ Thị Thanh Vân cho biết, trong sản lượng xoài hiện nay, ngoài loại 1, loại 2 (chiếm khoảng 50%) thì 50% còn lại rớt xuống loại 3, loại 4. “Cần có thêm các DN đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại vùng trồng để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ trái xoài” - bà Vân đặt vấn đề.
GS.TS Trần Văn Hâu cho biết, tiềm năng thị trường xoài trên thế giới rất lớn, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu về sản lượng tiêu thụ, kế đến là Trung Đông, còn thị trường Trung Quốc chỉ đứng thứ 5. Nếu có liên kết tốt, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm xoài không lo dội hàng.
Câu chuyện liên kết tiêu thụ xoài bền vững đang có gợi ý mới khi tháng 3 vừa qua, Sở NN&PTNT An Giang cùng Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xoài Thái của công ty trên địa bàn tỉnh. Dự kiến ban đầu, Chánh Thu sẽ đặt hàng trồng 200ha xoài Thái theo quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản của công ty. Giống xoài được nghiên cứu riêng để xây dựng được thương hiệu xoài An Giang, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính ổn định, bền vững trong canh tác, xuất khẩu.
“Chiến lược xuất khẩu của Chánh Thu là không lệ thuộc thị trường nào. Chúng tôi là DN đầu tiên xuất khẩu xoài đi Hoa Kỳ, xuất khẩu vải đi Nhật. Chúng tôi xác định, Hoa Kỳ mới là thị trường quan trọng và có tiềm năng nhất về xuất khẩu trái cây. Chánh Thu mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu nghiêm túc tại An Giang, có HTX đủ năng lực đại diện nông dân để hợp tác với công ty. Giá thu mua xoài được thỏa thuận ngay từ đầu, nông dân trồng theo tiêu chuẩn rõ ràng, đảm bảo uy tín, hợp đồng dựa trên quy định pháp luật và vai trò trung gian của địa phương” - Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy kỳ vọng.
NGÔ CHUẨN