Đoàn kiểm tra Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam làm việc tại An Giang

07/10/2022 - 12:14

 - Sáng 7/10, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã làm việc với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bình đẳng giới tỉnh An Giang. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, cùng các thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bình đẳng giới tỉnh tiếp và làm việc với đoàn kiểm tra.

Quang cảnh buổi làm việc

Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bình đẳng giới tỉnh An Giang Châu Văn Ly trình bày báo cáo tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam kết luận buổi làm việc

Thực hiện công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, An Giang là một trong số ít các địa phương ban hành sớm kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong đó có xác định nguồn lực cụ thể để thực hiện các mục tiêu. 100% các văn bản hướng dẫn có nội dung liên quan đến bình đẳng giới được triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức và địa phương. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thu hút sự quan tâm của người dân, mỗi năm, tuyên truyền trên 20.000 cuộc, có từ 50-100 người tham dự/cuộc.

Tỉnh đã triển khai nhiều mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, như: Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cộng đồng; trung tâm cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới… Trong năm 2022, đã nhân rộng thêm 9 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở các xã nông thôn mới. Đến nay, có tổng số 79 mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác cán bộ nữ, hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 16,3%, đại biểu Quốc hội chiếm 22,22%, HĐND tỉnh chiếm 18,03%, HĐND cấp huyện chiếm tỷ lệ 25,20%. Trong đó, có 2 huyện: Châu Phú và Chợ Mới có tỷ lệ cơ cấu nữ đạt 30%; HĐND cấp xã có tỷ lệ nữ chiếm 28,10%, trong đó có 63/156 cơ sở đạt 30% tỷ lệ cơ cấu nữ.

Tại buổi làm việc, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bình đẳng giới tỉnh An Giang kiến nghị, Trung ương hoàn thiện chính sách, pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, khắc phục hạn chế, rào cản từ thể chế. Quan tâm xây dựng đề xuất các chính sách, pháp luật nhằm tăng các quy định thúc đẩy chia sẻ gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc gia đình giữa nam giới và nữ giới. Tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới nhằm tạo điều kiện cho cả bố và mẹ cùng chăm sóc con. Ngoài ra, quan tâm các chính sách dành cho lao động nữ yếu thế như hộ nghèo, vùng dân tộc, phụ nữ khuyết tật...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đề nghị lãnh đạo tỉnh An Giang tiếp tục quan tâm chỉ đạo đối với công tác bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, nhất là chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh tích cực, chủ động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, trọng tâm là Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thông báo kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Đồng thời, bố trí nguồn lực tiếp tục triển khai và cam kết duy trì các mô hình về bình đẳng giới, nhằm hỗ trợ thúc đẩy phụ nữ trong các lĩnh vực. Xây dựng các giải pháp mang tính chiến lược và ngắn hạn đối với công tác cán bộ nữ phù hợp từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt, chú trọng hơn nữa đối với công tác bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ, nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực của mình.

Cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cho các cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân….

MỸ LINH – TRỌNG TÍN