Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ!

21/07/2023 - 03:45

 - “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đảng, nhà nước và nhân dân ta đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ, thương - bệnh binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy nhưng, đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp của dân tộc, các thế lực thù địch, những đối tượng bất mãn, cơ hội luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với người có công nhằm kích động, chống phá Đảng, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Khắc ghi lời dặn của Bác, Đảng, nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, người có công đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì bình yên hạnh phúc của nhân dân. Tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và của toàn xã hội.

Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm là ngày lễ kỷ niệm được tổ chức, triệu triệu trái tim dành tất cả tình thương yêu, tôn vinh những thương binh, liệt sĩ của đất nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp, cơ quan, đơn vị và cá nhân đã tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.

Các phong trào đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.

Bên cạnh đó, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã không ngừng vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách để lao động, học tập, sản xuất... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là gương sáng cho xã hội noi theo.

Để có được hòa bình và đất nước phát triển như hôm nay là chặng đường đấu tranh gian khổ và được đánh đổi bằng chính máu xương của biết bao thế hệ đi trước. Đảng, nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng khắc ghi những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc. Đồng thời, luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. 63 tỉnh, thành phố đều có nghĩa trang liệt sĩ. Cả nước đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 gần 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945 là 16.500 người; gần 1,2 triệu liệt sĩ; hơn 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hơn 40.000 thương binh loại B; gần 185.000 bệnh binh; gần 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng; gần 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế… Cả nước có hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng...

Tuy nhiên, với những giọng điệu thô bỉ của những kẻ vô ơn, bạc nghĩa, chúng phủ nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ và người có công. Chúng cho rằng đất nước được thống nhất, thanh bình như hôm nay không có những đóng góp của các Anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng; kinh tế - xã hội chậm phát triển là do các chính sách xã hội…

Nguy hiểm hơn, chúng còn kêu gọi, tập hợp những đối tượng bất mãn, cơ hội lập ra các câu lạc bộ, hội, nhóm cựu chiến binh… hoạt động trái pháp luật, rắp tâm tuyên truyền, kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tham gia, gây mất an ninh trật tự… Những thủ đoạn cũ rích của các thế lực thù địch, nhưng đã làm suy giảm lòng tin của một bộ phận những người nhẹ dạ, cả tin trong nhân dân với Đảng, nhà nước và chế độ XHCN; làm phai nhạt truyền thống đạo lý, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đất nước Việt Nam phải trải qua những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi. những trang sử hào hùng của dân tộc được viết lên bởi ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và máu của các thế hệ cha ông. Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam và kể từ khi có Đảng, truyền thống, đạo lý tốt đẹp đó đã được thể hiện bằng đường lối, chính sách cụ thể đối với những Anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với Tổ quốc.

Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, luận điệu xuyên tạc, hạ thấp sự hy sinh của Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, chỉ càng bộc lộ rõ bản chất vô ơn, bạc nghĩa của những đối tượng chống phá với ý đồ, mục tiêu chính trị đê hèn.

H.N