Chia sẻ với chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ô Lâm Chau Ta Điệp A cho biết: “Thực hiện phục hồi KTXH khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, cả hệ thống chính trị đang ra sức thi đua, thực hiện các chỉ tiêu phát triển KTXH địa phương, các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Là địa bàn có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, với diện tích sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Tổng diện tích gieo trồng lúa của xã đạt 3.683ha, 46ha hoa màu. Nông dân tích cực trồng cây ăn trái xen đất lâm nghiệp 12ha, trong đó áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây ăn trái đạt 3,55ha, hợp tác xã địa phương đã tiêu thụ 125 tấn xoài các loại. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện tốt. Giao thông thủy lợi được quan tâm. Các ngành nghề sản xuất truyền thống của địa phương, như: Đường thốt nốt, cốm dẹp được khuyến khích và ngày càng nâng cao chất lượng để phục vụ du lịch (DL)”.
Tiếp tục thực hiện xây dựng NTM, 6 tháng đầu năm 2022, địa phương đạt 12/19 tiêu chí (đạt 63,15%), 36/49 chỉ tiêu (73,46%). Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế tiếp tục nâng chất. Tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt trên 94%. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Xã thường xuyên thực hiện phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, virus zika, chiến dịch tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình...
Đảng ủy, UBND xã Ô Lâm chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương cho học viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Đến cuối năm 2021, xã Ô Lâm còn 926 hộ nghèo, 279 hộ cận nghèo. Địa phương đã hỗ trợ các gia đình mỗi hộ 300.000 đồng/hộ (với tổng số tiền 356 triệu đồng) để các hộ có điều kiện vui đón Tết cổ truyền Chol Chhăm Thmây năm 2022. Xã cũng tuyên truyền, vận động mở lớp học nghề theo Quyết định 1596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với 2 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, đồng thời củng cố các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn để tạo nguồn cung tại chỗ cho các cơ sở kinh doanh DL tại hồ Ô Thum…
Chia sẻ định hướng phát triển KTXH địa phương 6 tháng cuối năm, ông Chau Ta Điệp A cho biết: “Địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, quan tâm thực hiện, đảm bảo công tác an sinh xã hội; phát huy vai trò và trách nhiệm của địa phương, đổi mới và nâng cao phương thức lãnh đạo, quản lý. Trong đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - công nghiệp, ưu tiên mọi nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ, đẩy mạnh hơn nữa trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát triển các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tạo tiền đề phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Đẩy mạnh, phát triển chương trình y tế, giáo dục, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... theo hướng xã hội hóa nhằm nâng cao thể lực, sức khỏe cộng đồng, nâng cao trình độ dân trí và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân.
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, củng cố và phát triển nông nghiệp, nhất là vùng đê bao sản xuất 3 vụ và hệ thống tưới tiêu vùng đất gò phục vụ chuyển đổi sản xuất rau màu nhằm tạo động lực phát triển kinh tế toàn diện, bền vững. Tập trung đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất cốm dẹp và đường thốt nốt gắn với định hướng phát triển DL. Phát triển thương mại - dịch vụ gắn với tiềm năng DL và DL nông nghiệp trên nền tảng cơ sở hạ tầng và văn hóa hiện có của xã.
Duy trì kết quả và nâng chất phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Nâng chất đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục giữ gìn và phát huy các hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc của đồng bào DTTS Khmer. Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thể chất cho nhân dân; nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Phấn đấu giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh cho 1.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc tốt. Đổi mới công tác tiếp dân, gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện cơ chế “một cửa”, gắn với ứng dụng tin học trong giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong những dịp lễ, Tết. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành trong đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực và lãng phí...
NGỌC GIANG