Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

01/12/2020 - 07:15

 - Đồn Biên phòng (BP) Cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang) có địa bàn quản lý gồm xã Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình. Từ năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Long Xuyên kết nghĩa với các Đồn BP, trong đó có Đồn BP Cửa khẩu Long Bình. Sau khi tổng kết 5 năm kết nghĩa (giai đoạn 2013 - 2017), các đơn vị tiếp tục ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020.

Nhiều hoạt động chăm lo đời sống phụ nữ vùng biên

Thượng tá Nguyễn Hoài Linh, Chính trị viên Đồn BP cửa khẩu Long Bình cho biết, bám sát chương trình, đơn vị thực hiện nhiều hoạt động nổi bật. Điển hình như, nhân dịp Hội nghị giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2019 tại An Giang, đơn vị tham gia cùng BĐBP tỉnh tặng 5 con bò giống cho hộ nghèo (trị giá 75 triệu đồng), 5 suất học bổng cho học sinh nghèo học giỏi (trị giá 25 triệu đồng); khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 164 người (trị giá tiền thuốc 34 triệu đồng), phát 150 phần quà (trị giá 30 triệu đồng) cho người dân xã Khánh Bình (An Phú).

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đơn vị phối hợp Hội LHPN TP. Long Xuyên trao tặng 150 phần quà cho hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn; 100 phần quà cho học sinh nghèo, khó khăn tại thị trấn Long Bình (trên 70 triệu đồng); hỗ trợ 1 hộ phụ nữ chủ hộ nghèo (khuyết tật) tại thị trấn Long Bình với số tiền 4,5 triệu đồng làm vốn mở rộng mua bán, tăng thu nhập cho gia đình và có thêm điều kiện cho con tiếp tục đến trường; tặng 120kg gạo trích từ nguồn “Hũ gạo tình thương” của đơn vị gửi tặng phụ nữ nghèo… Ngoài ra, đơn vị nhận đỡ đầu 4 em học sinh với định mức 500.000 đồng/em/tháng; thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn BP”, nhận nuôi cháu Nguyễn Hữu Duy (ấp Sa Tô, xã Khánh Bình). Năm nay Duy trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Quốc Thái, được chuyển sang hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Trong quá trình thực hiện chương trình, tập thể cán bộ, chiến sĩ đồn nhận thức rằng, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” mang ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự nhân văn sâu sắc, góp phần hỗ trợ thêm đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ và nhân dân tuyến biên giới, khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực, huy động sự chung tay, góp sức của xã hội đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Đại úy Nguyễn Hữu Hàn (Chính trị viên phó), chia sẻ câu chuyện đáng nhớ của mình. Tháng 7-2019, trong một lần xuống địa bàn ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình để nắm tình hình dư luận quần chúng nhân dân, anh quan sát thấy nhà cửa của người dân nơi đây rất thưa thớt, hầu hết là nhà sàn được làm bằng cây, mái tole. Anh ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Lến,  năm nay đã gần 80 tuổi, gia đình có truyền thống cách mạng, hiện bà đang sống cùng 1 người cháu nội. Chồng bà mất hơn 40 năm, cả đời vất vả lo cho 7 đứa con. Giờ các con lập gia đình, nhưng không có công việc ổn định, có người phải mưu sinh xa nhà. Vất vả nhất là chị Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1974), đang sống ở một “căn nhà nhỏ” gần đó. Thật ra đó chỉ là một căn nhà tạm, chật hẹp, ẩm thấp, nhưng là nơi sinh hoạt của 5 người trong gia đình chị. Bà Lến không mong mỏi điều gì cho mình, chỉ đau đáu thương cô con gái, mong có chương trình hỗ trợ làm ăn, chăn nuôi, để chị Phượng giảm bớt khó khăn kinh tế, dần dần vươn lên trong cuộc sống. 

Thật may mắn là sau đó ít lâu, thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia tại tỉnh An Giang năm 2019, có chương trình tặng bò giống cho người dân nghèo tại địa bàn xã Khánh Bình (An Phú) và xã Sampeou Poun (huyện Kor Thum, tỉnh Kandal - CPC) do Bộ Tư lệnh BĐBP hỗ trợ. Đồn BP Cửa khẩu Long Bình đã chủ động phối hợp chính quyền, các ban, ngành xã Khánh Bình rà soát các hộ dân nghèo, tham mưu trường hợp cần tặng bò giống. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Phượng, anh Hàn đã đề xuất Ban Chỉ huy đơn vị, cùng địa phương đến tận nhà để khảo sát. Đến ngày trao tặng bò giống, ngoài gia đình chị Phượng còn có 9 hộ gia đình khác được nhận hỗ trợ.

“Nhìn thấy niềm vui trên đôi mắt, khuôn mặt của từng người, già có, trẻ có, tôi cũng vui mừng phấn khởi vì đã góp phần nhỏ bé công sức của mình giúp đỡ các gia đình, trong đó có chị Phượng. Mong rằng gia đình chị có thêm động lực từ nguồn vốn làm ăn này, cuộc sống đỡ vất vả, con cái được học hành lớn khôn. Mỗi lần đến thăm gia đình chị Phượng, bà Lến, tôi đều hỏi thăm tình hình sức khỏe của bà, về công việc làm ăn, về tình hình chăn nuôi bò. Họ đều rất vui mừng cám ơn BĐBP, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm giúp đỡ gia đình, bày tỏ quyết tâm làm ăn để vươn lên ổn định cuộc sống” - anh Hàn chia sẻ.

Câu chuyện trên đã giúp cán bộ, chiến sĩ Đồn BP cửa khẩu Long Bình nói chung, đại úy Nguyễn Hữu Hàn nói riêng, thấm nhuần một điều: cán bộ BĐBP phải thực sự gần dân, quan tâm, tìm hiểu, đồng cảm với suy nghĩ, trăn trở của người dân. Khi khảo sát, xét chọn đối tượng để hỗ trợ phải bám sát tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra để tránh nhầm lẫn, bỏ sót. Đặc biệt, cần phải thường xuyên theo dõi việc hỗ trợ đem lại kết quả ra sao, người dân có khó khăn gì cần tháo gỡ, giải quyết. Có như thế, mới thật sự “đồng hành” cùng họ, góp phần đưa đời sống người dân vùng biên ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

 

 

Liên kết hữu ích