Đột phá, đi đầu
An Giang là tỉnh thành lập Chương trình phát triển nông thôn sớm nhất trong cả nước. Hộ nông dân được xác định là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng đất đã năng động, sáng tạo và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Với cơ chế đổi mới, năm 1988 mở ra tăng vụ đầu tiên 1.700ha ở huyện Châu Thành và Thoại Sơn, rồi trở thành phong trào mạnh mẽ. Đến năm 1989, sản lượng lúa của tỉnh lần đầu đạt 1 triệu tấn và bắt đầu xuất khẩu gạo.
Giai đoạn 1987-2000, An Giang tập trung đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, xem yếu tố thủy lợi là biện pháp kỹ thuật hàng đầu trong phát triển nông nghiệp, chuyển vụ, thâm canh, tăng vụ. Rất nhiều công trình thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn được triển khai, tạo nguồn nước tưới tiêu chủ động cho sản xuất nông nghiệp, tháo chua, rửa phèn cho những vùng đất còn hoang hóa.
Các công trình tiêu biểu, như: Mở rộng kênh Mướp Văn, núi Chóc - Năng Gù; xây dựng hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây: Vĩnh Tế, T4, T5, T6 (năm 1996-1999), các đập cao su Tha La, Trà Sư ngăn lũ đầu mùa bảo vệ lúa hè thu… Tổng khối lượng đào đắp giai đoạn này trên 141,9 triệu m3, tương đương 15.663,4km chiều dài. Đến năm 2000, tổng diện tích gieo trồng đạt 508.196ha, trong đó, diện tích lúa 3 vụ 21.000ha, năng suất lúa bình quân 5,58 tấn/ha/vụ, sản lượng lúa gần 2,38 triệu tấn.
UBND tỉnh An Giang hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phát triển hợp tác xã kiểu mới
An Giang đã có sáng kiến và đề xuất, được Chính phủ đồng ý đầu tư đào kênh, mương để rửa phèn, thoát lũ ra biển Tây, kết hợp xây đê, cống ngăn mặn… Đồng thời, triển khai Đề án phát triển hệ thống trạm bơm điện giai đoạn 2008-2012 tỉnh An Giang. Đến nay, hệ thống thủy lợi được đầu tư khá hoàn chỉnh, có 612 trạm bơm điện được đầu tư mới với tổng công suất gần 5,19 triệu m3/giờ, đảm bảo tưới tiêu. Từ đó, góp phần tăng diện tích và sản lượng lúa của tỉnh. Năm 2021, diện tích xuống giống lúa cả năm đạt 632.800ha, sản lượng gần 4,14 triệu tấn, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Kiên Giang).
Chú trọng nông nghiệp công nghệ cao
Khi diện tích, sản lượng gần như “đội nóc”, An Giang chuyển hướng đột phá sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, gắn với nhu cầu thị trường. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/6/2012 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều vùng sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chủ lực của tỉnh đã được xác lập.
Để khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, UBND tỉnh đã công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho vùng chuối VIFABA, vùng sản xuất của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt - Bình Phú (huyện Châu Phú).
Ngoài ra, còn có một số dự án điển hình đạt tiêu chí dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Dự án đầu tư trang trại cây ăn trái, chuối cấy mô ứng dụng công nghệ cao xuất khẩu của Công ty Cổ phần XNK Xanh Việt; dự án sản xuất và chế biến rau, củ, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Phan Nam; dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo, gà công nghệ cao và trồng cây ăn trái của Công ty TNHH Nghiên cứu công nghệ cao An Khang…
Một đột phá hiện nay là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng, chuyển dần sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, sản xuất hàng hóa có chất lượng thông qua nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đến nay, 70% diện tích trồng lúa của tỉnh là các giống chất lượng cao; 89,6% diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng”; 47% áp dụng “1 phải, 5 giảm”. Hiện, 31.190ha đã được liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị với DN theo tiêu chuẩn GlobalGAP, SRP, các tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường Châu Âu, Nhật Bản…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh đã từng bước hình thành các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa, lúa gạo đặc sản để các DN tham gia liên kết tiêu thụ. Không những diện tích liên kết không ngừng tăng lên qua từng năm, mà điểm mới của An Giang là DN tham gia thành lập hợp tác xã (HTX), gắn với những vùng nguyên liệu của DN. Chỉ riêng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, đã có thỏa thuận với UBND tỉnh thành lập khoảng 200 HTX kiểu mới đến năm 2025. Trong đó, DN cử nhân sự tham gia ban lãnh đạo của các HTX để phụ trách hoạt động kinh doanh, cử đội ngũ “3 cùng” (cùng ăn - cùng ở - cùng làm) phối hợp với Hội đồng quản trị HTX hướng dẫn thành viên HTX về kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng hiện đại, khoa học. Nhờ đó, giá thành sản xuất của nhiều HTX giảm bình quân 20% so với canh tác truyền thống trước đây.
NGÔ CHUẨN