Đưa nông sản An Giang lên sàn thương mại điện tử

02/01/2020 - 09:38

 - Bên cạnh những trang thương mại điện tử quen thuộc, được đông đảo người tiêu dùng biết đến, như: Lazada, Amazon, Alibaba… An Giang còn vận hành thêm 2 trang riêng là sanphamangiang.com và angiangexport.com để quảng bá sản phẩm, đưa các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Giao diện trang sanphamangiang.com

Các mặt hàng nông sản thế mạnh của An Giang được đưa lên sàn thương mại điện tử

Xúc tiến thị trường

Xác định thị trường tiêu thụ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao nên sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU, ngày 11-11-2016 về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, công tác xúc tiến thị trường cho các sản phẩm chủ lực của An Giang cũng được chú trọng. Sở Công thương cho biết, cùng với thông tin đến các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh về hoạt động hội chợ, các chuyến khảo sát thị trường ngoài nước do Bộ Công thương tổ chức để DN chủ động tham gia, đơn vị còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về xúc tiến thương mại, đầu tư, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kỹ năng xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường nước ngoài… Hàng năm, Sở Công thương duy trì liên hệ với các Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Australia, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Algeria, Australia, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (A.U.E), Singapore, Israel, Czech, Uzbekistan để hỗ trợ tỉnh tổ chức mời đoàn DN kinh doanh nhập khẩu lương thực, thủy sản nước ngoài đến làm việc và tham quan một số DN xuất khẩu thực tế tại An Giang. Năm 2019, Sở Công thương đã nhận phản hồi của 13/15 tham tán hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường và danh sách DN nhập khẩu tại nước sở tại; kịp thời thông tin đến DN để vận dụng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Để đưa các sản phẩm chủ lực của An Giang đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, Sở Công thương cùng với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang vừa duy trì trang thông tin điện tử, vừa xây dựng và vận hành fanpage facebook để tăng lượng truy cập. Sở Công thương đã phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử đưa sản phẩm chủ lực của tỉnh (gạo, thủy sản, trái cây) lên các sàn thương mại điện tử lớn (Lazada, Amazon, Alibaba). Đơn vị cũng đang vận hành trang sanphamangiang.com và angiangexport.com để quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm của DN đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Mỗi năm, Sở Công thương phối hợp tổ chức từ 2-4 lớp tập huấn về thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ phần mềm quản lý bán hàng cho các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Truy xuất nguồn gốc

Đây là yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, tạo uy tín thương hiệu cho nông sản của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, Sở Công thương đã tích cực phối hợp triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả trên địa bàn An Giang. Đến nay, có 7 DN, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác có chứng nhận VietGAP tham gia tích cực, tập trung vào các sản phẩm: xoài 3 màu, dưa lưới, cà chua bi, ổi, rau ăn lá, đậu cove, khổ qua, dưa leo, bắp trái non... với tổng diện tích truy xuất nguồn gốc đạt 139,17ha. Đối với đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, đã nhận được sự tham gia tích cực từ 2 DN chăn nuôi, 1 DN kinh doanh và 2 hộ kinh doanh.

Từ năm 2017 đến nay, các DN sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn An Giang đã được hỗ trợ tham gia 13 phiên chợ nông sản an toàn tại TP. Hồ Chí Minh; phiên chợ Xanh tại Đồng Tháp; 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn cùng nhiều phiên chợ trong và ngoài tỉnh. Các ngành còn hỗ trợ kết nối giao thương cho 65 lượt DN, hợp tác xã vào 31 hệ thống phân phối, chuỗi cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối như: Hapro, Rudimark, VinaFoods, Good life, chợ đầu mối nông sản Hòa Cường, chợ Cồn, chợ đầu mối nông sản Dầu Giây và các công ty: Chánh Thu, Đại Thuận Thiên, Viên Sơn, Nông nghiệp công nghệ cao An Phú, Asia Supply, Hưng Thịnh Phát, Diệp Khang Phát… Ngay trên địa bàn An Giang, bên cạnh 202 chợ được phân hạng (8 chợ hạng II, 194 chợ hạng III), tỉnh còn có 6 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, nhiều cửa hàng nông sản an toàn, cửa hàng tiện ích, giúp đưa các sản phẩm nông sản chất lượng dễ tiếp cận người tiêu dùng.

Hiện nay, các sở, ngành đang tập trung triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển hệ thống logistics; Đề án phát triển thương mại biên giới tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để đưa nông sản An Giang vươn xa.

Giai đoạn 2016-2019, kim ngạch xuất khẩu của An Giang đạt 3,25 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia và vùng lãnh thổ. An Giang được đánh giá là địa phương có nguồn nguyên liệu lúa gạo, thủy sản đa dạng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

NGÔ CHUẨN