Đưa sản phẩm nông nghiệp An Giang vươn xa

19/10/2022 - 07:16

 - An Giang là vùng sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản lớn, nên hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc sản đặc trưng của tỉnh. Để sản phẩm vươn xa, tỉnh đã và đang tăng cường hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, xúc tiến thương mại, đưa nông sản tham gia sàn thương mại điện tử. Qua đó, góp phần nâng tầm giá trị, đưa nông sản tỉnh nhà đến nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhiều phương thức tiêu thụ

Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, đơn vị tích cực phối hợp các sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua các kênh bán lẻ hiện đại, như: Siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử... hướng tới phát triển đa dạng các phương thức tiêu thụ nông sản.

Làm việc với Công ty Cổ phần Bách Hóa Xanh và Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce hỗ trợ kết nối sản phẩm của 5 DN, hợp tác xã (HTX) của huyện Chợ Mới vào tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh và Winmart+; thông tin đến Thương vụ Việt Nam tại Campuchia đề xuất hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho DN An Giang.

Sản xuất nông sản xuất khẩu

Đặc biệt, để đưa các sản phẩm chủ lực của An Giang đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh duy trì trang thông tin điện tử sanphamangiang.com và angiangexport.com để quảng bá sản phẩm. Sở Công Thương phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử đưa sản phẩm chủ lực của tỉnh (gạo, thủy sản, trái cây) lên các sàn thương mại điện tử lớn, như: Lazada, Amazon, Shopee, Tiki, Voso.vn, Postmart.vn... Đồng thời, hỗ trợ DN xuất khẩu, DN có tiềm năng xuất khẩu nông sản của tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản thông qua mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hội nông dân các cấp đã vận động nông dân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty, DN về sản xuất lúa rải vụ 1-2-3, lúa Nhật, lúa thương phẩm và các loại nông sản, như: Xoài, đậu nành rau... với tổng diện tích thực hiện hơn 61.429ha. Phối hợp Bưu điện tỉnh đưa 137 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn) giúp nông dân quảng bá sản phẩm.

Nâng tầm giá trị nông sản

Nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm tiềm năng, tỉnh đã tập trung hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các đặc sản, có giải pháp chiến lược quảng bá, xúc tiến và phát triển nâng tầm giá trị sản phẩm. Tỉnh đang phát triển và tiêu thụ các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đây là sản vật để khách du lịch trong và ngoài nước thưởng thức, mua làm quà biếu mỗi khi đến An Giang.

Khai thác từ sản vật cá linh mùa nước nổi, Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đã “biến tấu” cá linh thành nhiều sản phẩm độc đáo, đóng hộp tiêu thụ trong và ngoài nước, được khách hàng gần xa ưa chuộng và chọn mua làm quà biếu.

Các sản phẩm đặc sản, như: Cá linh kho mía, mắm cá linh chưng, đậu nành rau được tiêu thụ mạnh thị trường các tỉnh ĐBSCL, miền Trung, miền Bắc và hệ thống siêu thị, như: Co.opmart, Foodcorp của Satra, MM Mega Market, Aeon Mall, Color man... Đậu nành rau xuất đi thị trường Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Úc... Ngoài ra, sản phẩm còn được bán trên trang thương mại điện tử, như: Antescomart.com, voso.vn, sendo.vn.

Thâm nhập thị trường “khó tính”

Vượt qua tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu, nhiều DN ở An Giang đã mang thương hiệu gạo, rau màu, thủy sản… của tỉnh ra thế giới, mang nhiều giá trị gia tăng cho sản xuất. Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết: “9 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 857,6 triệu USD, tăng gần 12% so cùng kỳ năm trước, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực (gạo, cá, rau, may mặc) đạt 559,5 triệu USD; các mặt hàng nông, thủy sản đều có sự tăng trưởng khoảng 9-13% so cùng kỳ”.

Sản lượng gạo xuất khẩu trên 429.000 tấn, tương đương 233 triệu USD. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bán gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” vào Carrefour và Leclerc là 2 hệ thống phân phối hàng đầu của Pháp, với sản lượng 910 tấn gạo Jasmine, Japonica và LT28. Rau, củ, quả xuất khẩu trên 48.000 tấn, tương đương 21,7 triệu USD. Thủy sản xuất khẩu 145.000 tấn, tương đương 304 triệu USD, tại thị trường 78 nước.

Cá tra của An Giang xuất khẩu chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Nổi bật nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Việt xếp thứ 3/5 DN xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Tháng 8/2022, công ty này đã xuất khẩu 5 container cá tra sang Hoa Kỳ, mở rộng cánh cửa xâm nhập thị trường Hoa Kỳ sau thời gian bỏ ngõ.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Với quan điểm phát triển ngành nông nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực và nhu cầu thị trường, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh 4 sản phẩm chủ lực (cá tra thương phẩm, lúa gạo chất lượng cao, rau màu và xoài) trên thị trường trong nước và quốc tế ở tất cả các khâu của chuỗi giá trị.

Cụ thể, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng cụm ngành, liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến, logistics và du lịch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng giảm dần quy mô sản xuất những ngành hàng không có lợi thế cạnh tranh và chuyển dần sang những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường. Xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của An Giang trên thị trường.

Sở Công Thương An Giang đã hoàn thiện sổ tay hướng dẫn DN thực hiện đăng ký xuất khẩu theo quy định mới của Trung Quốc về an toàn thực phẩm trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại. Phối hợp Vụ Thị trường Châu Âu-Châu Mỹ giới thiệu DN xuất khẩu có khả năng thâm nhập vào hệ thống phân phối lớn của các nước, nhất là hệ thống siêu thị ở thị trường Châu Âu. Đẩy mạnh thương mại điện tử, hỗ trợ HTX, DN đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số; tìm kiếm, hỗ trợ các công ty chuyên ngành dịch vụ tư vấn tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước làm việc với các DN để phát triển, mở rộng thị trường kinh doanh.

HẠNH CHÂU