Được mùa rau muống lấy hạt

02/04/2019 - 08:45

 - Ấp Hiệp Thạnh, xã Hiệp Xương (Phú Tân) là nơi tập trung nhiều nhất số hộ trồng rau muống lấy hạt. Mô hình chỉ thực hiện trong vụ đông xuân do lợi thế nắng tốt, khô ráo, đảm bảo cho hạt rau muống chắc khỏe, giảm thất thoát tối đa. Mỗi năm làm chỉ 1 vụ nhưng rau muống lấy hạt cho thu nhập khá cao, thu hút số hộ tham gia ngày càng đông. Nhờ sản xuất ít “đụng hàng”, năm nay bà con phấn khởi vì tiếp tục được mùa, được giá.

Dọc theo ấp Hiệp Thạnh, lẫn giữa màu xanh mướt của rau muống hoa trắng đang kết hạt, đã có nhiều ruộng được giẫy bằng phẳng phơi khô đang chờ suốt. Theo kinh nghiệm của nhà nông, đây là giống rau muống cho năng suất cao nhất. Mỗi hộ xuống giống theo thời điểm khác nhau, miễn đúng vụ đông xuân thì đạt. Trên đất trồng nếp, sau khi thu hoạch, có người sạ giống rau muống ngay; có người cải tạo đất làm rẫy, lên liếp, đào rãnh dẫn nước vào. Năm nay, số hộ trồng tăng lên 55 hộ, với tổng diện tích 77ha. Rau muống chủ yếu được trồng trên mặt đất phẳng, đến chu kỳ lấy hạt, nông dân cắt thân cây để phơi từ 15 - 20 ngày cho héo, rồi gom thành đống, đem suốt lấy hạt và sàng làm sạch trước khi bán. Nhờ hạt rau muống, những người làm theo mô hình này từ hộ nghèo vươn lên khá giả. Điển hình như ông Nguyễn Ngọc Ngoan, ông Lê Văn Kịch gắn bó với mô hình nhiều năm, mỗi vụ thu nhập hàng trăm triệu đồng, lấn sân sang kinh doanh vật tư nông nghiệp. Những hộ cùng sản xuất đã được thành lập tổ liên kết để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, vốn đầu tư.

Thu hoạch rau muống lấy hạt

Anh Nguyễn Bá Nhẫn (ngụ ấp Hiệp Thạnh) chia sẻ: “Nghề trồng rau muống cha tôi làm hơn 20 năm, đến tôi tiếp bước được khoảng 6 năm, gia đình duy trì canh tác 2 vụ nếp - 1 vụ rau muống lấy hạt, với tổng diện tích 9ha. Vụ này, năng suất và giá bán hạt rau muống đều tăng, giúp nông dân đạt lợi nhuận cao”. Theo anh Nhẫn, rau muống dễ trồng và có thể canh tác quanh năm. Đối với anh, trồng rau muống dễ như trồng lúa, đảm bảo phân, thuốc, nước tưới và am hiểu giai đoạn sinh trưởng là “có ăn”, chú ý nhất là giai đoạn “vào hạt”. Hơn nữa, tất cả các khâu từ trục, xới đất, sạ phân đến thu hoạch đều có máy móc. Bình quân 1 công rau muống cho năng suất trên 300kg, đạt cao nhất từ 400 - 450kg, giá bán 33.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời 5 triệu đồng/công. Tính toàn vụ, hộ của anh Nguyễn Bá Nhẫn lời đến 450 triệu đồng.

Nghề trồng rau muống lấy hạt ở xã Hiệp Xương ngày càng mở rộng diện tích, trong đó có nhiều hộ phát triển mới theo vận động của Hội Nông dân, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng hiệu quả trên đất lúa. Rau muống lấy hạt ít bị biến động giá cả đầu ra, vì là sản phẩm hạt khô nên nếu giá bán không cao vẫn có thể vựa lại. Ngoài bán cho bạn hàng, một số hộ đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với công ty. Vào mùa thu hoạch, mô hình này tạo thu nhập cho lao động nông nhàn, trung bình mỗi lao động được trả tiền công từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Phan Văn Tông, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, địa phương đã tuyên truyền vận động nông dân tập trung phát triển sản xuất các loại cây phù hợp và mang lại giá trị kinh tế cao trên đất lúa. Trong đó trồng rau muống lấy hạt là mô hình đang cho hiệu quả vượt trội. Nếu ban đầu trên địa bàn xã mới hình thành tổ hợp tác chỉ phát triển quy mô hơn 30ha thì giờ đây diện tích trồng rau muống lấy hạt đã lên đến 77ha. Vụ đông xuân thay vì trồng lúa, người dân chuyển sang trồng rau muống lấy hạt thu lợi nhuận khá cao, đầu ra hàng năm của hạt rau muống được ký hợp đồng tiêu thụ, giá cả ổn định. Mô hình trồng rau muống lấy hạt nói riêng và các mô hình mới trên địa bàn xã nói chung đang cho hiệu quả kinh tế, được chính quyền địa phương quan tâm, theo dõi. Ông Tông cho biết, để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, địa phương tiếp tục mời gọi doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

MỸ HẠNH