Duy trì và phát triển phong trào đờn ca tài tử

22/04/2025 - 06:49

 - Đờn ca tài tử là hơi thở và tiếng lòng đậm tính dân gian của người dân Nam bộ. Giữa dòng chảy của thời đại, vẫn còn rất nhiều người hoạt động, duy trì hàng ngày, hàng tuần hoặc tháng ở ấp, xã, trung tâm học tập cộng đồng… Nhờ đó, họ có nơi để giao lưu học hỏi, thỏa mãn niềm đam mê của mình qua từng lời ca, giai điệu.

Ở huyện Phú Tân, phong trào đờn ca tài tử được gìn giữ bởi các câu lạc bộ. Mỗi ngày, các thành viên yêu đờn ca tài tử ở thị trấn Phú Mỹ luôn có mặt sinh hoạt cùng nhau bên hông trung tâm chợ. Họ ca hát, tập luyện bài bản, xem đây là cách mọi người tạo niềm vui và tinh thần phấn khởi để bắt đầu ngày mới. Các cô, chú lớn tuổi rất tận tâm chỉ nghề cho một số em nhỏ có niềm đam mê, hỗ trợ các em trong cuộc thi, diễn văn nghệ, để có cơ hội phát triển tài năng.

Còn ở xã nông thôn mới Phú Hưng, đều đặn buổi tối thứ 3 - 5 - 7, câu ca, điệu hát lại vang lên trong một góc nhỏ của ấp Hưng Thới 1. Những buổi sinh hoạt diễn ra trong không gian đơn sơ, chỉ có âm thanh, tivi, thiếu đàn nhưng các tài tử luôn “cháy” hết mình trong từng lời ca, cung bậc của các bản Nam, Bắc, Oán, vọng cổ và hòa tấu… đem lại cho người xem, người nghe nhiều cảm xúc dạt dào.

Sinh hoạt đờn ca tài tử ở các địa phương

Bà Phan Thị Thu Thủy (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Hưng Thới 1) cho biết, bà thường sinh hoạt đờn ca tài tử ở các địa phương trong và ngoài huyện. Về sau, bà muốn phong trào đờn ca tài tử ở quê mình được phát triển nên nảy ý tưởng thành lập câu lạc bộ này. 2 năm hoạt động, khởi đầu là vài thành viên họp nhóm theo hình thức hát với nhau, đến nay thu hút khoảng 20 thành viên. Ngoài mục đích thỏa niềm đam mê, họ còn giúp nhau nắn chỉnh kỹ thuật, rèn luyện hát.

Các thành viên sinh hoạt định kỳ hàng tuần, quy tụ từ nghệ nhân lớn tuổi đến lớp trẻ tham gia. Họ gác lại muộn phiền của mình, giải tỏa qua lời ca tiếng hát. Ban ngày, bà Trần Thị Phượng là thợ may, buổi tối bà trở thành tài tử trong mắt mọi người. “Lời ca giúp tôi thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi, hiểu thêm về văn hóa truyền thống của quê hương. Bây giờ lớp trẻ có nhiều lựa chọn giải trí khác, nên để giữ chân các em với đờn ca tài tử không dễ. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng truyền dạy để không bị mai một” - bà Phượng chia sẻ.

Cùng tâm niệm giữ gìn đờn ca tài tử cho thế hệ sau, loại hình nghệ thuật này được phát triển truyền đời qua sự đào tạo của nhiều nghệ nhân tâm huyết, như ông Sáu Lơn (TP. Long Xuyên), ông Năm Suol (TX. Tân Châu). Các em nhỏ từ huyện lân cận không ngần ngại đường xa, tranh thủ những ngày hè đến lớp, trau dồi qua từng năm. Tiếp sức cho bộ môn này phát triển vững vàng hơn, hàng năm còn có hội thi, sân chơi, tranh tài ca - múa - nhạc ở nhiều quy mô khác nhau, mở rộng cho thí sinh được dịp thể hiện tài năng.

Cũng như nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác, đờn ca tài tử bắt nguồn từ cuộc sống đời thường, nên rất mộc mạc, gần gũi, dễ tạo cảm xúc cho người nghe. Nét đẹp trong đờn ca tài tử là sự hòa quyện thanh âm của phím đàn, lời ca của tài tử nam, nữ. Một bài hát hay, mượt mà là sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý trong ca diễn của cả tài tử đờn và tài tử ca. Môn nghệ thuật này đã được gìn giữ, lưu truyền từ trong chính đời sống hàng ngày của người dân, lâu dần trở thành phong trào văn hóa - văn nghệ không thể thiếu. Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để câu lạc bộ hoạt động, như hỗ trợ địa điểm sinh hoạt, tổ chức giao lưu, cuộc thi…

Nhờ hoạt động của các câu lạc bộ, đờn ca tài tử dù trải qua thăng trầm, giữa dòng chảy của thời đại ngày nay vẫn có sức sống riêng, không bị mai một, phát triển mạnh từ thành thị đến nông thôn. Trong thời kỳ hội nhập, việc giữ gìn loại hình nghệ thuật này càng có vai trò quan trọng, vừa nối tiếp truyền thống, vừa tiếp thu nét hiện đại. Những bài ca hôm nay không chỉ thể hiện niềm tự hào về tình yêu đối với quê hương, đất nước, con người… mà còn cổ vũ, ca ngợi thành tựu trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, gương người tốt - việc tốt. Bên cạnh đó, nhiều bài ca ngợi lãnh tụ, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, xây đựng đời sống văn hóa trong thời kỳ mới…

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc Nam Bộ, được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không phải là “cái nôi” của đờn ca tài tử, nhưng dòng chảy âm thầm của người mộ điệu tài năng trên mảnh đất An Giang không kém phần sôi nổi, mãnh liệt. Qua năm tháng, lớp lớp nghệ nhân đã truyền nghề, truyền “lửa” đam mê nghệ thuật cho thế hệ kế tiếp có nền tảng tiếp tục phát triển.

MỸ HẠNH