Gặp vị tướng tham gia mũi thọc sâu vào Sài Gòn

30/04/2020 - 14:21

Tiết trời cuối tháng 4 của TP Hồ Chí Minh khá oi bức và câu chuyện giữa tôi với Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn bộ binh số 7, Quân đoàn 4 - một trong các Quân đoàn tiến về Giải phóng Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, cũng “nóng” không kém. Những ký ức của 45 năm về trước ùa về, khiến ông không ngưng được câu chuyện mở cánh cửa thép Sài Gòn.

Mở cánh cửa thép Sài Gòn

Vẫn trong ngữ giọng của một người lính, nhắc về những kỉ niệm không bao giờ quên trong quân ngũ của mình, Trung tướng Nguyễn Văn Thái nhớ ngay đến các trận đánh để đời của ông như: Chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch đường 13 (Tàu Ô - Xóm Ruộng, năm 1972), chiến dịch giải phóng Phước Long (từ tháng 12-1974 đến tháng 1-1975), trận đánh phá tan phòng tuyến Xuân Lộc để tiến về giải phóng Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử và tiếp quản Dinh Độc Lập…

Chú thích ảnh

Trung tướng Nguyễn Văn Thái (trái) và Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4.

Trung tướng Nguyễn Văn Thái nhớ lại: Cuối tháng 3-1975, sau khi tham gia giải phóng Lâm Đồng, đơn vị được lệnh quay về xuôi thần tốc. Lúc đầu, đơn vị chưa hiểu về xuôi thần tốc để tham gia trận đánh nào, sau đó mới biết thần tốc về xuôi là để tham gia trận đánh quan trọng vào “cánh cửa thép - Xuân Lộc” (thị xã Long Khánh, Đồng Nai hiện nay). Nơi đây cũng được xem là cuộc đọ sức sinh tử của Sư đoàn 7 và các đơn vị Quân đoàn 4 với kẻ thù hung hãn do đế quốc Mỹ tạo dựng ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh.

Lúc đó, để giữ Xuân Lộc và bảo vệ Sài Gòn, chính quyền Mỹ ngụy đã bố trí Sư đoàn 18 bộ binh, Lữ đoàn 1 dù, Liên đoàn 3 biệt động quân... với khoảng 12.000 quân để trấn giữ, cùng với những phương tiện chiến đấu mạnh nhất. Chúng muốn biến Xuân Lộc thành nơi “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn.

Ông kể: Đúng 5 giờ 40 phút ngày 9-4, quân ta nổ súng tiến công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã mau chóng chiếm được một nửa thị xã, đưa được 3 tiểu đoàn vào chốt bên trong. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng, quân địch đông, phương tiện hiện đại nên hai bên chiến đấu giằng co vẫn chưa phân thắng bại. Vì vậy, Bộ tư lệnh Miền và Bộ chỉ huy chiến dịch của ta đã chỉ đạo thay đổi cách đánh mới là chia cắt và cô lập lực lượng địch tác chiến ở Xuân Lộc với Biên Hòa.

Quân ta ngừng tiến công các mục tiêu, chuyển sang đánh cắt đường 1 để cô lập Xuân Lộc. Sư đoàn 7 phối hợp với nhiều lực lượng đánh vòng ngoài, chặn cắt các ngả đường tiếp tế, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, Trảng Bom, bẻ gãy các đợt phản kích của quân ngụy... Đúng ngày 15-4, pháo tầm xa loại 130 mm của Quân đoàn 4 nã đạn bắn phá, khống chế sân bay Biên Hòa liên tục ngày đêm không cho máy bay tiêm kích của địch cất cánh yểm trợ, làm giảm sức kháng cự của quân địch.

Chú thích ảnh

Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 2 vượt sông tiến về Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu-TTXVN phát

“Tận dụng thời cơ, Sư đoàn 6 được tăng cường Trung đoàn 95 của Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52 (Sư đoàn 18 ngụy) tại Kiệm Tân, Dầu Giây; đồng thời đánh chiếm cao điểm Núi Thị, tách Xuân Lộc khỏi sự chi viện của địch từ hướng Tây. Lúc này, quân địch tại Xuân Lộc bị cô lập hoàn toàn. Trước nguy cơ bị tiêu diệt và không còn khả năng phòng thủ, ngày 18-4, quân địch rút khỏi Xuân Lộc, chỉ để lại một bộ phận nhỏ nhưng cũng tháo chạy nốt vào đêm 20-4. Rạng sáng 21-4, tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan”, ông Thái kể tiếp.

Sau khi xuyên thủng phòng tuyến Xuân Lộc, Sư đoàn 7 của ông lại tiếp tục nhận lệnh tham gia mũi thọc sâu vào Sài Gòn và có nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay). Tuy nhiên, trên đường tiến vào Sài Gòn, đơn vị của Trung tướng Nguyễn Văn Thái phải đánh chiếm sở chỉ huy vùng 3 chiến thuật tại thành phố Biên Hòa. Sau khi làm chủ khu vực này, xe tăng của đơn vị không qua được cầu Ghềnh do cầu quá nhỏ, do đó phải chuyển hướng vòng qua Xa lộ Hà Nội. Cuối cùng, đơn vị cũng đã đến được Dinh Độc Lập sau Quân đoàn 2. Tuy nhiên, đến 4 giờ chiều ngày 30-4-1975, Quân đoàn 2 đã bàn giao lại nhiệm vụ tiếp quản Dinh Độc Lập cho Sư đoàn 7.

Cuộc họp báo đầy ý nghĩa

Khi nhận nhiệm vụ tiếp quản Dinh Độc Lập, Trung tướng Nguyễn Văn Thái cũng không thể quên cuộc họp báo ở Dinh Độc Lập vào ngày 2-5-1975 giữa Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định với cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng nội các. Cuộc họp báo diễn ra với gần 100 nhà báo tham gia để đưa tin, ảnh những khoảnh khắc có một không hai của lịch sử trong chiến tranh Việt Nam. Lúc này, Trung tướng Nguyễn Văn Thái được giao nhiệm vụ làm công tác tổ chức, giúp việc cho Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản.

Trung tướng Nguyễn Văn Thái nhớ lại: “Cuộc gặp gỡ có tính lịch sử ấy đã truyền đi thông điệp, chủ trương của Đảng ta là hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, chung tay xây dựng lại đất nước... đã được người đứng đầu Ủy ban Quân quản phổ biến rõ cho báo giới. Sự kiện này cũng đã nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, tâm tư của sĩ quan, binh lính chế độ cũ, bởi lúc bấy giờ không ít người trong số họ hết sức lo ngại khi là người thua cuộc”, Trung tướng Nguyễn Văn Thái nhớ lại.

Chú thích ảnh

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng-TTXVN

“Ngay cả bản thân tôi, khi đã là cán bộ cao cấp rồi mà nghe Thượng tướng Trần Văn Trà nói với ông Dương Văn Minh rằng “giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng đế quốc Mỹ” tôi vẫn băn khoăn thắc mắc, nhưng dần dần cái ý đó nó cũng thấm vào mình. Lúc đầu mình vẫn coi bên mình - bên kia, là địch - ta, nhưng dần dần mới quen và bây giờ thì thấy nó đúng. Đúng với tinh thần dân tộc chúng ta là yêu nước thương nòi”, Trung tướng Nguyễn Văn Thái nói.

“Đặc biệt, chứng kiến cuộc họp báo tại Dinh Độc Lập, người lính chúng tôi hiểu ra rằng, trong chiến tranh, có thể mỗi người phải ở hai đầu chiến tuyến để chiến đấu một mất một còn, nhưng khi hòa bình lập lại, chúng ta phải gác lại mọi đau thương để cùng bắt tay xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Bởi, ước vọng lớn nhất của mỗi người lính là giữ gìn được hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Để có được hòa bình, biết bao đồng đội của chúng tôi đã phải ngã xuống. Rất mong thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn hòa bình nhưng cũng cần trân trọng lịch sử chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam”, ông Thái tiếp lời.

Theo HOÀNG TUYẾT (Báo Tin Tức)