Ông Nguyễn Như Cường thông tin, năm nay diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng so với kế hoạch đầu năm 50 nghìn ha (lên 700.000 ha), để góp phần vào nắm bắt thời cơ giá gạo tăng.
Việt Nam đang chớp thời cơ xuất khẩu khi giá lúa gạo tăng cao
“Đây là thời cơ cho chúng ta. Vì thế ngày hôm qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Các bộ ngành, địa phương tập trung các giải pháp về kỹ thuật, hành chính để tăng lượng xuất khẩu của chúng ta”, ông Cường cho biết.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt thông tin: Năm ngoái, sản lượng lúa gạo của nước ta là 42,7 triệu tấn, thì xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo. Năm nay sản lượng lúa gạo ước tính trên 43,1 triệu tấn, thậm chí 43,2 triệu tấn nên đương nhiên chúng ta có thể xuất khẩu vượt kỷ lục của năm ngoái.
Việc xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn cung trong nước, nhưng có vấn đề về tâm lý làm cho giá gạo có sự gia tăng nhất định.
“Hiện nay chỉ 90 ngày là có 1 vụ lúa rồi, nên chúng ta hoàn toàn yên tâm về an ninh lương thực, cũng như chớp thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu”, ông Cường khẳng định.
Như VietNamNet đã thông tin, tiếp sau Ấn Độ, ngày 29/7, Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa. Lệnh cấm này không áp dụng với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng như Abkhazia và Nam Ossetia. Bên cạnh đó, gạo vẫn có thể được gửi ra nước ngoài vì mục đích nhân đạo.
Trước đó một ngày, Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cũng quyết định dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng.
Hiện cả Nga và UAE không nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Song, việc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu của hai quốc gia này, cùng với việc Ấn Độ (quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới) thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, đã khiến thị trường gạo trên toàn cầu thêm chao đảo.
Trên thị trường, giá gạo Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
Tính đến ngày 27/7, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam được giao dịch ở mức 558 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với ngày 19/7 (phiên giao dịch trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào 20/7). Gạo 25% tấm từ mức 513 USD/tấn phiên 19/7 cũng tăng lên 538 USD/tấn phiên 27/7.
Với mức giá đó, gạo 5% tấm, 25% tấm xuất khẩu của nước ta tăng lần lượt 35,1% và 36,8% so với ngày này năm ngoái.
Theo văn bản do Bộ Công Thương mới ban hành ngày 31/7, thị trường thương mại gạo toàn cầu diễn biến phức tạp và khó lường. Cụ thể là các yếu tố cấm xuất khẩu gạo từ các nước Ấn Độ, Nga và UAE (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất); tình trạng thời tiết ELNino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực ở nhiều khu vực trên thế giới. Bên cạnh đó là việc Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) báo cáo về tình hình lúa gạo tồn kho, hợp đồng xuất khẩu về cơ quan này trước ngày 3/8/2023.
|
Theo LƯƠNG BẰNG (VietNamNet)