Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam: Đồng loạt tăng thêm 1.000-3.000 đồng/kg
Theo bảng khảo sát giá heo hơi của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, ngày hôm qua giá heo hơi tiếp tục tăng ở nhiều địa phương. Đơn cử như tại Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh tăng 2.000 đồng/kg, lên mức 95.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá heo hơi tăng thêm 1.000 đồng/kg, đạt 98.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá heo hiện ở mức 97.000 đồng/kg. Khu vực Tây Ninh, Long An thấp hơn, giao dịch ở mức 95.000 – 96.000 đồng/kg.
Đáng chú ý với mức tăng 2.000 đồng/kg trong ngày hôm qua, ở miền Tây đã xuất hiện mức giá cao nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi heo. Bảng giá heo hơi của De Heus cho thấy, giá heo hơi tại Hậu Giang, Cần Thơ đã cán mốc 99.000 đồng/kg; tại Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre đạt 98.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn hơi hôm nay nhiều nơi tiếp tục tăng cao, kéo theo giá heo giống tăng lên trên 3 triệu đồng/con. Ảnh: T.Q
Giá heo hơi thấp nhất miền Tây là ở Vĩnh Long, An Giang, đạt 93.000 đồng/kg dù 2 tỉnh này cũng tăng thêm 3.000 đồng/kg trong ngày hôm qua.
Hiện mặt bằng giá heo hơi ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đã ngang bằng với miền Bắc, phổ biến từ 95.000 – 98.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc: Khan hàng, giá ổn định
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá heo hơi cao nhất toàn miền Bắc hiện nay khoảng 99.000 đồng/kg tại Hưng Yên, Quảng Ninh; tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam, giá heo chọn đạt 99.000 – 100.000 đồng/kg, các loại khác từ 95.000 – 97.000 đồng/kg. Trong đó, tại chợ này mỗi ngày có khoảng 1-2 xe chở lợn từ Thái Lan về tiêu thụ theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên lượng lợn về chợ vẫn ngày càng giảm, có phiên chỉ đạt 300-400 con.
Nhiều tỉnh ở miền Bắc đang có mức giá 95.000 đồng/kg, như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung cũng đang tăng vù vù, trong đó Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận đồng loạt tăng 3.000 đồng/kg, dao động từ 93.000 – 95.000 đồng/kg.
Khu vực Thanh Hoá, Nghệ An 94.000 đồng/kg; thấp nhất cả nước là tại Hà Tĩnh, giá hiện khoảng 90.000 đồng/kg.
Nhạy bén với thị trường hay liều tái đàn?
Với mức giá lợn hơi cao ngất ngưởng như hiện nay, sau khi trừ chi phí người chăn nuôi lợn có thể thu lãi ròng từ 3-4 triệu đồng/con tuỳ mô hình. Chính vì lợi nhuận "khủng" như trong mơ này mà đã có không ít người đánh liều tái đàn, tăng đàn; trong đó không ít doanh nghiệp lớn ngoài ngành cũng nhảy vào nuôi lợn.
Với đà tăng liên tục từ 1.000 - 3.000 đồng/kg trong vài ngày qua, hiện mặt bằng giá heo hơi ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đã ngang bằng với miền Bắc, phổ biến từ 95.000 – 98.000 đồng/kg. Ảnh: I.T
Trường hợp đầu tư chăn nuôi heo của ông Mười Thời (Võ Hữu Thời, huyện Long Thành, Đồng Nai có thể nói là vừa liều lĩnh, vừa nhạy bén chớp thời cơ. Số là khi cả nước đang lao đao vì dịch tả heo châu Phi thì ông cho nhập chuồng một lúc 600 con heo giống, sau đó bán hết và bỏ túi gần 2 tỉ đồng.
Ông cho hay: "Khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi, ai cũng sợ không dám nuôi nhưng tôi quyết định nhập heo giống vì lúc đó, giá heo giống rất rẻ, dễ mua. Vệ sinh chuồng trại cẩn thận tôi cho tái đàn. Thắng liền".
Ông Mười Thời từng có 15ha cao su, cứ có tiền lời ông lại mua thêm đất. Đến năm 2014, khi giá mủ cao su qua thời vàng son ông đã cưa bỏ 10ha cao su đang cho mủ để làm trang trại nuôi heo, bò, thả cá. Chỉ 1 năm sau, ông thu về 3 tỉ đồng từ nuôi heo. Ông Thời chia sẻ: "Làm nông nghiệp thành bại là chuyện bình thường. Nhiều người cho rằng nuôi heo thời dịch tả là liều lĩnh. Nhưng tôi tính cả rồi không liều đâu. Nếu làm liều thì đã không có được ngày hôm nay".
Từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại địa bàn Thanh Hoá giảm còn 67% nhưng số trang trại lại tăng lên 68%. Trong số 169.000 con lợn thịt tăng đàn, các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn đã chiếm gần 105.000 con. Với những ai từng bị dịch tả heo châu Phi thì đều tỏ ra thận trọng. Một phần vì hết vốn, một phần vì dịch bệnh nguy hiểm này vẫn chưa có thuốc chữa, chưa có vaccine.
Nhưng với các doanh nghiệp, cá nhân có vốn lớn, có lẽ họ đã nhìn thấy thời cơ để "hốt vàng" từ trong thời điểm dịch bệnh. Đơn cử như Tập đoàn Hùng Nhơn, ngay giữa năm 2019 đã bắt tay với Tập đoàn De Heus của Hà Lan để đầu tư dự án nuôi heo cụ kị, ông bà tại Đắk Lắk, nhằm đáp ứng nhu cầu con giống cho thị trường.
Còn nhớ khi trao đổi với PV Dân Việt hồi tháng 8-2019, ông Vũ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Hùng Nhơn đã khẳng định giá heo giống thời gian tới chắc chắn sẽ tăng do khan hiếm, đàn lợn bố mẹ chết nhiều vì dịch bệnh. Nếu ai có tiền đầu tư, đảm bảo được an toàn dịch bệnh thì chắc chắn sẽ hốt bạc.
Giữa tháng 4-2020, Công ty New Hope Thanh Hóa cũng đã nhập về trên 1.200 con lợn phẩm cấp ông bà, cụ kỵ từ Canada. Mới đây, 1 doanh nghiệp tại Hà Tĩnh cũng đã có kế hoạch mua 20.000 lợn nái và 200 con lợn đực từ Thái Lan về, trong đó 1 nửa để phục vụ tái đàn, tăng đàn của doanh nghiệp, 1 nửa bán ra ngoài.
Ông Đoàn Văn Thiệu, Giám đốc chăn nuôi Công ty CP Chăn nuôi CP chi nhánh Thanh Hóa cũng cho biết, tổng đàn lợn của công ty hiện chỉ còn khoảng 80.000 con so với 90.000-95.000 con thời điểm trước dịch. Nguyên nhân chính là trong thời điểm dịch đang "nóng", một số trại của công ty đã chủ động giảm tải đàn.
Tuy nhiên, công ty sẽ nhanh chóng tăng đàn vượt cả so với thời điểm trước dịch. Ông Thiệu cho biết hiện đơn vị có 108 con giống phẩm cấp ông bà, cụ kỵ. Công ty đang xây thêm một số trang trại và cuối năm nay sẽ nâng tổng đàn lên 100.000 con lợn.
Theo THIÊN HƯƠNG (Dân Việt)