Tăng thu nhập
Cây huyền tinh (củ huyền) hay còn gọi là bạch tinh, củ nưa, là loại cây hoang dã, thích hợp với vùng đất ven chân núi, chịu râm mát dưới tán rừng. Đây là loại cây tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc và có thể trồng xen canh với các loại cây ăn trái dưới chân đồi. Cây huyền tinh sau khi trồng 7-8 tháng có thể thu hoạch củ. Thời gian thu hoạch kéo dài 3-4 tháng. Củ huyền to, hình cầu, mặt trên lõm, mặt dưới lồi mang rễ và nhiều u tròn; vỏ ngoài của củ màu nâu, ruột trắng vàng.
Trồng cây huyền tinh xen canh vườn đồi mang hiệu quả kinh tế cao
Do thích nghi đất đai, khí hậu, chống chịu được hạn, người trồng củ huyền xứ núi nhẹ công chăm sóc, số lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không như các loại cây trồng khác. Ông Trần Văn Ký (ngụ ấp Núi Kéc, xã Thới Sơn, Tịnh Biên) chia sẻ: “Hiện nay, trồng củ huyền xen canh trong vườn đồi đem lại thu nhập khá cho bà con nông dân. Bình quân 1.000m2, sau 7-8 tháng trồng, nông dân thu lợi nhuận khoảng 2,5 triệu đồng. Trồng củ huyền vừa góp phần giữ ẩm, giữ nước cho vườn đồi trong mùa khô, vừa nhẹ công chăm sóc, lại nâng cao thu nhập cho nông dân”.
Hiện nay, nông dân trồng cây huyền tinh chủ yếu để sản xuất tinh bột. Bình quân 5kg củ huyền sẽ cho 1kg bột huyền tinh. Giá bán bột huyền tinh theo nhu cầu bạn hàng, từ 35.000 - 50.000 đồng/kg. Bột huyền tinh thành phẩm có màu trắng tinh khiết, rất mịn, có thể bảo quản từ 2 - 3 năm vẫn không hư hỏng. Mặt hàng này hiện nay đang được nhiều người biết đến. Vào mùa hành hương, du khách gần xa tấp nập về đây nên bột huyền tinh bán rất chạy.
Dinh dưỡng dồi dào
Củ huyền là một trong những loại dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao, có thể luộc ăn hoặc gọt vỏ nấu với cơm. Bẹ huyền thường được làm dưa, ăn với cá nướng rất ngon. Ngoài ra, dân gian còn có thể dùng bột khoai huyền để làm các loại bánh, làm bún tàu... Tuy nhiên, cách dùng bột huyền đơn giản nhất là pha với nước sôi để nguội cùng một ít đường cát trắng, đường phèn, uống trong những ngày hè oi bức để thanh nhiệt cơ thể.
Bột huyền là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng
Ngoài làm thực phẩm, bột huyền tinh còn được sử dụng trong y học cổ truyền để làm giảm cơn đau, thuốc giải độc khi bị ngộ độc thực phẩm, thuốc giảm đau, hạ sốt và kháng viêm. Củ huyền tươi còn được sử dụng để làm giảm cơn đau các bệnh về dạ dày, tiêu chảy, kiết lỵ… Phần rễ có thể dùng để điều trị loét dạ dày, viêm ruột, viêm gan. Ngoài ra, củ huyền có tiềm năng để làm rượu; hoa dùng để chà xát lên vết thương rắn cắn; trái dùng làm thức ăn.
Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học, sau khi thu hoạch, củ huyền được dùng để sản xuất bột. Hiệu suất thu hồi bột từ 18% - 20%. Bột huyền chứa 85,7% tinh bột, 0,91% lipid, 0,66% nito tổng và 0,05% tro (tính trên căn bản khô). Các đặc tính hóa lý của bột từ củ huyền phù hợp với các quy trình chế biến dược phẩm, có khả năng sử dụng như một loại tá dược trong sản xuất dược phẩm và tiềm năng ứng dụng trong sản xuất tinh bột dành cho người bị tiểu đường.
Hiện nay, cây huyền tinh được trồng ở huyện Tịnh Biên với diện tích khoảng 10ha, cho sản lượng 60-70 tấn củ/năm. Đây là một trong những nguồn nguyên liệu dồi dào trong lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm cho địa phương.
Để nâng cao giá trị của cây huyền tinh, ngành chức năng tỉnh phối hợp Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học An Giang thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, chế biến và tạo sản phẩm từ cây huyền tinh tại An Giang”. Đề tài tập trung nghiên cứu hiệu quả của cây huyền tinh; quy trình sản xuất bột và tinh bột từ cây huyền tinh; phát triển các sản phẩm từ bột huyền tinh… Qua đó, giúp người dân có sự lựa chọn thích hợp trong việc phát triển mô hình trồng cây huyền tinh dưới tán rừng, giúp người dân biết quy trình, kỹ thuật trồng hợp lý, hiệu quả hơn
|
ĐÌNH ĐỨC