Giá trị người thầy trong xã hội hiện đại

20/11/2019 - 08:44

 - Trong mỗi thời đại, người thầy luôn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong xã hội, với chức năng trao truyền kiến thức và giáo dục đạo đức cho học sinh. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, quan niệm về nghề giáo dần thay đổi, thay vì là người “độc quyền” về kiến thức, giờ đây người thầy giữ vai trò như “chiếc cầu nối” để người học gắn kết với tri thức. Đồng thời, còn giữ vai trò như “người bạn” sẻ chia, đồng hành cùng các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngày nay, bên cạnh sự tôn vinh nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, các giá trị mới, cách thể hiện mới đã được bổ sung vào quan niệm về người thầy và nghề dạy học. Đó là người truyền trao tri thức, là người gợi mở, hướng dẫn học sinh khai mở kho tàng tri thức. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô giáo lấy học sinh là trung tâm, dạy những gì các em cần, chứ không dạy tất cả những gì thầy cô giáo có. Với quan niệm đổi mới trên không có nghĩa là phủ nhận những giá trị của giáo dục truyền thống, vẫn rất cần kế thừa sự trân trọng nghề dạy học và khẳng định vị thế người thầy trong xã hội để làm nền tảng cho quan điểm mới về người thầy trong thời đại ngày nay.

Hiện nay, trong cái nhìn mới của xã hội hiện đại, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn được giữ vững. “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn là quan niệm giảng dạy của các trường học, nhất là đối với học sinh bậc mầm mon, tiểu học. Trân quý hơn là câu “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, ai dạy ta dù chỉ một chữ, nửa chữ mà giúp ta nên người, nên nghiệp thì ta phải tri ân, báo đáp. “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Câu nói không chỉ đúng trong xã hội ngày xưa mà ngày nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi, khi đời sống kinh tế càng phát triển, cha mẹ ít dành thời gian quan tâm, giáo dục con cái thì người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn như một người bạn, là nơi sẻ chia, tâm tình để tìm được những định hướng đúng đắn cho cuộc đời. Một hiệu trưởng trường cấp II tại huyện Tịnh Biên chia sẻ: “Học sinh đang tuổi mới lớn có những vấn đề riêng tư rất ngại ngần khi tâm sự với cha mẹ, khi đó các em tìm đến thầy cô để chia sẻ. Thương các em còn quá non trẻ, thầy cô luôn quan tâm, tháo gỡ khó khăn trong độ tuổi mới lớn để các em tránh được những va vấp không đáng có”.

Càng trân trọng những công lao to lớn của thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” bao nhiêu, dư luận xã hội không khỏi chạnh lòng và lo lắng khi xuất hiện những hiện tượng “lệch chuẩn” của một bộ phận đội ngũ giáo viên hiện nay. Vẫn còn những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, nhiệt huyết với nghề giảm sút, làm khó học sinh để các em phải đến lớp học thêm; giáo viên mầm non, tiểu học bạo hành học sinh được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, giáo viên im lặng suốt 3 tháng không giảng bài cho học sinh khi đứng lớp, hiệu trưởng dâm ô với nhiều học sinh trong trường… Ngược lại, một số học sinh không những không ý thức đầy đủ về đạo làm trò mà có những hành vi vô lễ với thầy, cô, thậm chí còn hành hung giáo viên mỗi khi thầy, cô nghiêm khắc phê bình. Cùng với đó là sự thiếu tôn trọng giáo viên từ các bậc phụ huynh càng làm hình ảnh người thầy trở nên “méo mó” hơn bao giờ hết. Hẳn dư luận vẫn còn chưa thể quên cô giáo mầm non suýt sẩy thai vì bị phụ huynh nghi ngờ bạo hành con em của mình, hay phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi, nữ phụ huynh đến lớp bắt thầy giáo đền chiếc quần bỏ quên ở lớp học của con gái…

Tất cả những “hạt sạn” của ngành giáo dục cần được phát hiện và nhanh chóng sửa chữa để gìn giữ lại những giá trị cao quý của nghề giáo. Bởi, dù trong một xã hội nào đi nữa, kinh tế và công nghệ số phát triển đến đâu thì vẫn rất cần sự trải nghiệm, tri thức truyền trao từ những người đi trước. Đó là những thầy cô giáo nhiệt tâm, tình nguyện gắn bó với nghề, gieo nền tảng tri thức và cả niềm tin, động lực để học trò của mình thành danh, thành nhân sau này.  

NGỌC GIANG