Giải pháp chống sạt lở ở An Giang

23/08/2021 - 06:20

 - An Giang là tỉnh ở đầu nguồn ĐBSCL, chịu tác động của dòng chảy lũ thượng nguồn đổ về từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh - yếu tố dẫn đến bị ảnh hưởng sạt lở nhiều hơn một số tỉnh ĐBSCL. Nếu như năm 2002, tỉnh có 25 đoạn cảnh báo sạt lở thì đến năm 2020 tăng lên 53 đoạn nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài hơn 171/400km đường bờ, gây ảnh hưởng hơn 20.000 hộ dân, trong đó hơn 5.380 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Khắc phục sạt lở bằng các giải pháp công trình

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân sạt lở chủ yếu do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mêkong gây thiếu bùn cát bồi lắng; yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế-xã hội (ghe, tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải 2 bên bờ sông...).

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030, nhằm chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế-xã hội khu vực ven sông, kênh, rạch, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2023 cơ bản hoàn thành bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Các khu dân cư ven sông, kênh, rạch ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, kênh, rạch. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều (nhất là các tuyến đê cấp III đã được phân cấp), cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông. Đến năm 2030, hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông có diễn biến xói, bồi phức tạp cần chỉnh trị.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, trước hết cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan để tăng cường quản lý các hoạt động tại khu vực ven sông, kênh, rạch (nhất là quản lý khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, kênh, rạch) và xử lý sạt lở để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sạt lở, hạn chế thiệt hại. Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ phòng, chống sạt lở. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ di dời dân cư khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đặt biệt nguy hiểm gắn với sinh kế, ổn định đời sống người dân. Điều tra cơ bản về sạt lở, dân cư và công trình hạ tầng ven sông, kênh, rạch, trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở, dân cư và công trình phòng, chống sạt lở; ưu tiên thực hiện tại khu vực đang sạt lở và nơi có nguy cơ cao trên hệ thống sông chính. Cùng với dự báo, cảnh báo sạt lở, nghiên cứu xây dựng phương án tổng thể chỉnh trị và phòng, chống sạt lở bờ sông để cập nhật vào quy hoạch chung.

Giải pháp cấp bách trước mắt là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống sạt lở. Đề xuất thực hiện ngay các công trình khắc phục sự cố sạt lở và khu vực nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm bờ sông, kênh, rạch (nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt) ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, đường giao thông, cơ sở hạ tầng quan trọng. Xây dựng tiêu chí ưu tiên xử lý sạt lở đối với các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Ngoài cắm biển cảnh báo tại những khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ cao, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn, xử lý triệt để khai thác cát, sỏi trái phép. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi trường hợp cố tình xây dựng mới, tái cất nhà ở, công trình vi phạm hành lang sông, kênh, rạch. Quản lý, kiểm soát hoạt động của phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ, nhằm giảm tác động gây sạt lở, nhất là trên các tuyến sông, kênh, rạch có kết hợp đường giao thông.

Giải pháp lâu dài trong quá trình lập các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của tỉnh và huyện phải có quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, sạt lở đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình. Cần xử lý sạt lở bảo vệ công trình quan trọng, điều chỉnh tuyến, di dời dân cư, cần thực hiện các giải pháp phi công trình. Từ đó, đề xuất các khu vực thực hiện các công trình chỉnh trị dòng chảy sông, rạch. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông, đoạn sông cong có diễn biến xói, bồi phức tạp cần chỉnh trị. Rà soát, phân loại đối tượng ở các khu vực cảnh báo sạt lở theo cấp độ đưa vào quy hoạch, kế hoạch sắp xếp lại dân cư, tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bố trí tái định cư. Xây dựng, lắp đặt hệ thống quan trắc hiện đại, tự động và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong khắc phục sạt lở.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích