Ước tính cả năm 2024, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản đã đưa ra; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản có tỷ lệ % giảm mạnh nhất 0,33% so với công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.
Nguyên nhân là các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi bão số 3 và mưa lũ.
Trước đó, thống kê cho thấy, trong sáu tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,38% - đây là mức cao so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Mục tiêu trong cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành ước đạt 3,2-4%. Với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tám tháng đầu năm đạt 40,08 tỷ USD, ngành nông nghiệp còn hướng đến nâng mục tiêu cho năm 2024 đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 57-58 tỷ USD.
Tuy nhiên, bão số 3 đã gây ra những hậu quả nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và thủy sản - hai lĩnh vực có tăng trưởng cao trong các lĩnh vực của ngành - gây ra áp lực lớn cho việc giữ vững mục tiêu tăng trưởng chung.
Nhiều năm gần đây, ngành nông nghiệp luôn giữ vững vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Do vậy, với những khó khăn như hiện nay, rất cần các cơ chế, chính sách tổng thể, kịp thời, hiệu quả hỗ trợ khu vực này khôi phục sản xuất, ổn định xuất khẩu. Ngày 17/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ; tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và các vật tư cần thiết cho các địa phương khôi phục sản xuất nông nghiệp. Về xuất khẩu, tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ưu tiên khai thác và tận dụng cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký các FTA mới, mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, thị trường sản phẩm Halal...
Để bảo đảm không gián đoạn chuỗi cung ứng phục vụ xuất khẩu, Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ khôi phục nhanh chóng các cơ sở logistics và kho bãi bị hư hỏng do bão lũ… Bên cạnh đó, các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các hộ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất… cũng cần được nghiên cứu miễn, giảm, gia hạn.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sau bão.