Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía nam năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía nam năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thể hiện bản lĩnh, sự tìm tòi, đổi mới, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 với muôn vàn khó khăn, đáp ứng yêu cầu, bám sát thực tiễn.
Luồng gió tươi mới, năng động, sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ cảm nhận rõ nét, ấn tượng với nhiều kết quả vừa qua, đó là “đang có một luồng gió tươi mới hơn, năng động, sáng tạo hơn, bám sát thực tiễn cuộc sống hơn, đáp ứng yêu cầu cấp bách của cơ quan dân cử địa phương, góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì đà phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội”.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An cho biết, Long An là một trong 4 tỉnh, thành phố phía nam bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Hội đồng nhân dân tỉnh Long An luôn nỗ lực để hoàn thành khối lượng lớn công việc ngay trong năm chuyển giao, với 6 kỳ họp được tổ chức thành công, ban hành 159 nghị quyết quan trọng, đột phá, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thực thi pháp luật.
Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động, linh hoạt trong hoạt động giám sát, nhất là tập trung giám sát công tác xây dựng nông thôn mới, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện tư nhân; việc mở cửa trường học gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Ngoài việc tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức kỳ họp bất thường để quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội Khóa XV và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Ở khu vực phía nam có tỉnh Bình Thuận tổ chức đến 9 kỳ họp, Sóc Trăng tổ chức 8 kỳ họp, nhiều địa phương tổ chức 7 kỳ họp (gồm các tỉnh: Đồng Nai, Hậu Giang, Tiền Giang).
Với nhiệm vụ năm đầu nhiệm kỳ, bên cạnh việc ban hành các nghị quyết về công tác nhân sự, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, trong đó nhiều nhất là Long An với 145 nghị quyết, Bạc Liêu ban hành 47 nghị quyết.
Các nghị quyết này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cụ thể thuộc chức năng, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các địa phương trong khu vực đang thực hiện tổ chức chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, là Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ thích ứng và đã triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù mà Quốc hội, cử tri, nhân dân tin tưởng.
Đối với một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, riêng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Nhiều công trình trọng điểm quốc gia trong khu vực đã được Quốc hội xem xét, quyết định nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh của các địa phương phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng… tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cả khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung.
Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương
Lãnh đạo Quốc hội đánh giá, cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều công trình trọng điểm quốc gia trong khu vực đã được Quốc hội xem xét, quyết định trước đó, sẽ khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, để phát triển kinh tế, xã hội, góp phần tích cực, lan tỏa, tác động tích cực, vận hành sự phát triển kinh tế, xã hội của cả khu vực phía nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động Hội đồng nhân dân như: các kỳ họp không giấy tờ, biểu quyết điện tử từ xa do chuyển đổi số, giám sát bằng hình ảnh như cách làm của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và nhiều địa phương khác.
“Phải coi đại biểu Hội đồng nhân dân là trung tâm, đồng thời lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trình bày tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đánh giá, trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố và công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng nhân dân Thành phố, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết, trí tuệ, tập trung dân chủ và lắng nghe ý kiến của cử tri, chương trình hoạt động năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ của Ban Thường vụ Thành ủy giao.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu tham luận tại hội nghị.
Kết quả, Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước phục hồi kinh tế và hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2021với tổng số thu ngân sách là 381.531,937 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng an ninh đều được bảo đảm.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã thảo luận, biểu quyết thống nhất ban hành Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 12/10/2020 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2021.
Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thực hiện sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện, so trước sắp xếp giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện; có 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 249 phường, 5 thị trấn, 58 xã, so trước sắp xếp giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã.
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân nhất là đối với các địa phương có thực hiện chính quyền đô thị nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm chặt chẽ về trình tự, thủ tục trong hoạt động giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, phát huy vai trò của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động Hội đồng nhân dân như là các kỳ họp không giấy tờ, biểu quyết điện tử từ xa do chuyển đổi số, giám sát bằng hình ảnh...
“Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, với Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả từng cơ quan, tổ chức. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế làm việc của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Quy chế tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh để bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so quy định và công tác đào tạo, luân chuyển, quy hoạch đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031 ngay từ bây giờ...”
(Phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hội nghị)
Theo VĂN CHÚC; QUÝ HIỀN (Nhân Dân)