Giảm thất thoát, tăng chất lượng trái xoài

16/11/2023 - 05:29

 - Với diện tích xoài rộng lớn (12.633ha), chỉ cần giảm được 10% tỷ lệ thất thoát, nhà vườn ở An Giang có thể tăng thêm thu nhập hơn 60 tỷ đồng/năm. Không những thế, kỹ thuật trồng xoài mới còn tiết kiệm được lượng nước, lựa chọn dinh dưỡng phù hợp với vùng đất, nâng chất lượng và giá trị trái xoài.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Lê thông tin, trao đổi với nông dân trồng xoài

Chưa tương xứng tiềm năng

Những năm gần đây, xoài trở thành mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến cuối năm 2022, cả nước có 115.900ha xoài, sản lượng gần 1 triệu tấn. Xoài Việt Nam được xuất khẩu đến 40 nước trên thế giới, đứng thứ 13 trong các quốc gia xuất khẩu xoài, nhưng giá trị còn khiêm tốn (mới chỉ đạt hơn 180 triệu USD so con số 12,3 tỷ USD về tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới).

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất 650 triệu USD. Muốn tăng sản lượng và giá trị ngành hàng xoài, cần xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết từ người sản xuất - người thu mua - khâu sơ chế, đóng gói, bảo quản - doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó hợp tác xã (HTX) trồng xoài đóng vai trò quan trọng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Nguyễn Thị Lê cho biết, tổng diện tích xoài của tỉnh hiện có 12.633ha, trong đó diện tích đang cho trái là 10.647ha, năng suất 21,19 tấn/ha, ước sản lượng 225.645 tấn. Xoài được trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Chợ Mới 6.389ha, An Phú 1.858ha, TX. Tịnh Biên 1.527ha, TX. Tân Châu 828ha, huyện Tri Tôn 739ha… Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 276 mã số vùng trồng cho cây ăn trái, diện tích 8.683,63ha. Trong đó, xoài có 8.367,72ha (chiếm 96,4% diện tích cây ăn trái đã được cấp mã số), với 254 mã số để xuất khẩu qua các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản…

Với diện tích đất nông nghiệp lớn, An Giang là một trong 6 tỉnh vùng ĐBSCL được Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ triển khai Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm (GIC); là một trong 2 tỉnh (cùng với Đồng Tháp) được triển khai tập huấn trên cây ăn trái (chủ yếu là xoài), bước đầu mang lại hiệu quả.

Tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả

Thời gian qua, Dự án GIC đã tập huấn 10 lớp, với hơn 500 nông dân tham gia, trong đó có 8 lớp cho nông dân trồng xoài trong tỉnh (huyện An Phú 2 lớp, huyện Chợ Mới 5 lớp, TP. Châu Đốc 1 lớp), 2 lớp tại huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) và huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang). Nông dân được tập huấn về quản lý nước tưới, dinh dưỡng cho cây xoài; quản lý sâu bệnh hại, quy định về đối tượng kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc BVTV trong xuất khẩu xoài; thực hành cách bón phân, vận hành hệ thống tưới tự động, cắt tỉa cành, thao tác thu hoạch, phân loại, sơ chế, bảo quản xoài, giảm thất thoát sau thu hoạch... đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Dự án thực hiện mô hình thí điểm về quy trình sản xuất xoài keo tại HTX Nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú) với quy mô 1,7ha, đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tự động, bố trí để so sánh hiệu quả của việc tưới phun và tưới nhỏ giọt, giúp nông dân dễ áp dụng. Mô hình còn tiến hành lấy mẫu đất, mẫu lá để phân tích dinh dưỡng trong đất, từ đó đề xuất sử dụng phân bón hợp lý, áp dụng đồng bộ kỹ thuật, như: Sử dụng phân hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV sinh học, quản lý dư lượng thuốc BVTV và chú ý các khâu bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, nhằm nâng cao chất lượng trái, tăng hiệu quả sản xuất.

Theo đánh giá của Chi cục TT&BVTV, việc hỗ trợ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật (tỉa cành, quản lý sâu bệnh…), sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả giúp nhà vườn kiểm soát sâu bệnh tốt hơn, đặc biệt hạn chế bệnh thán thư và ruồi vàng. Cây xoài sau khi được tạo cành, tỉa tán sẽ tăng diện tích thân, cành, lá, trái tiếp xúc với không khí và ánh sáng mặt trời, hạn chế quá trình sinh trưởng của nấm và sâu bệnh. Cây nhỏ và tán thoáng giúp việc phun thuốc diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, giảm lượng thuốc BVTV.

Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán giúp thuốc xử lý ra hoa được tiếp xúc đều cả cây nên ra hoa đồng đều hơn; chất dinh dưỡng không bị phân tán, mà tập trung cho việc nuôi hoa và trái. Tán thoáng và cây thấp giúp việc bao trái diễn ra nhanh, thuận tiện hơn; quá trình thu hoạch đỡ vất vả, tốn ít nhân công. Khi xoài ít bệnh, ra trái đều, phẩm chất trái tốt, tăng lợi nhuận trên mỗi cây xoài.

Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Thị Lê cho biết, qua đánh giá bước đầu, Dự án GIC giúp người dân có những thông tin mới về sản xuất xoài, đặc biệt là các kỹ thuật về bảo quản, giảm thất thoát trong quá trình sản xuất; áp dụng kỹ thuật tạo cành, tỉa tán, quản lý bệnh hại trong sản xuất; tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc BVTV và tiết kiệm chi phí.

Dự án còn tập trung hướng dẫn các HTX cách quảng bá và marketing, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ để phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ trái xoài thô. Cách tiếp cận của dự án là hỗ trợ phát triển tổng thể cho chuỗi sản xuất xoài, từ khâu kỹ thuật sản xuất đến bảo quản và kết nối tiêu thụ. Ngoài ra, các hoạt động quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc cũng được quan tâm hỗ trợ.

An Giang tiếp tục mời gọi doanh nghiệp liên kết phát triển các vùng sản xuất xoài tập trung, truy xuất được nguồn gốc; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến tiên tiến để giảm thất thoát, tăng giá trị trái xoài.

NGÔ CHUẨN