Giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng

26/10/2022 - 07:32

 - Thời gian qua, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã tăng cường lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành án, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, tập trung chăm lo, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện cho hoạt động hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng; giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú, làm việc tại địa phương.

Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh An Giang xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống tội phạm và nêu cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Đơn vị thường xuyên kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, từng bước nâng cao trình độ, năng lực của Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị định và chỉ thị của Chính phủ; Đề án của Bộ Công an về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật lang thang, cơ nhỡ...

Công an tỉnh trao quà cho người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng

Trong năm 2021, Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang và các nhà tạm giữ Công an cấp huyện (gọi chung là các cơ sở giam giữ) đã tổ chức 52 cuộc giáo dục chung cho 15.512 lượt can, phạm nhân; giáo dục riêng 1.027 lượt can, phạm nhân. Phối hợp chính quyền địa phương tổ chức cho 248 cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam được tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật (đạt 100%).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức 26 lần giáo dục chung cho 8.312 lượt can, phạm nhân; giáo dục riêng cho 635 lượt can, phạm nhân; giáo dục cá biệt đối với 3 đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức 6 buổi phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan cho 186 lượt can, phạm nhân tham dự.

Phối hợp Hội Luật gia tỉnh và Thành đoàn TP. Long Xuyên tổ chức 3 lớp tuyên truyền, với 397 lượt phạm nhân tham dự. Công an tỉnh phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức 181 cuộc tuyên truyền về trách nhiệm của người dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương, đặc biệt là vùng biên giới; tuyên truyền về ý thức cảnh giác với “Tín dụng đen”, có 9.000 người tham dự (trong đó có người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá).

Ngoài ra, Công an tỉnh An Giang xây dựng 97 phóng sự, viết 497 bài, 1.708 tin, đăng 3.058 ảnh cộng tác trên các phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh hoạt động của lực lượng công an toàn tỉnh trong lĩnh vực đảm bảo ANTT, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm trên không gian mạng...

Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Các mô hình tiêu biểu, như: Quỹ Doanh nhân với ANTT của huyện Tri Tôn, được thành lập năm 2011, đến nay, đã vận động doanh nghiệp đóng góp gần 1 tỷ đồng; Quỹ Hoàn lương của TX. Tân Châu, đã vận động được gần 152 triệu đồng... Từ đó, hàng trăm người được hỗ trợ xây, sửa chữa nhà; vay vốn để lao động, sản xuất; học nghề; tìm kiếm việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Thời gian tới, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương tiếp tục phối hợp lực lượng công an thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động và nhân rộng các mô hình tiêu biểu tái hòa nhập cộng đồng, có chính sách đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Đề nghị Bộ Công an sớm có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; có chính sách hỗ trợ để người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu chính đáng được vay vốn để lao động, sản xuất, học nghề nhằm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Toàn tỉnh An Giang có 5.488 người chấp hành xong án phạt tù chưa xóa án tích đang được quản lý. Trong đó, UBND cấp xã phân công tổ chức, cá nhân quản lý, giáo dục, giúp đỡ 2.568 người; cơ quan, tổ chức, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ học nghề, giới thiệu việc làm 742 người; cho 86 người vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội hoặc quỹ khác, với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng; hướng dẫn 614 người làm thủ tục đăng ký cư trú; hướng dẫn cấp căn cước công dan 866 người; hướng dẫn thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp 53 người; xóa án tích 98 người.

NGUYỄN HƯNG