Gỡ khó cho dự án giao thông liên kết vùng

29/11/2022 - 07:10

 - Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc là một trong những công trình trọng điểm. Qua gần 1 năm khởi công và xây dựng, các gói thầu chính của dự án, như: 17, 27, 28… khối lượng công việc đạt rất thấp so kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân

Theo đại diện các nhà thầu, nguyên nhân làm tiến độ xây dựng các hạng mục công trình bị chậm là do thiếu hụt nguồn cát san lấp, còn ở gói thầu có sử dụng vật liệu cát hạt trung để xử lý những khu vực có nền đường yếu, nhà thầu chưa tìm được vật liệu. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều việc phải làm… Để tháo gỡ những khó khăn này, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra công trường và làm việc với đại diện các nhà thầu cùng các bên liên quan.

Đây là công trình giao thông cấp I với tổng chiều dài gần 21km, trong đó tuyến chính dài hơn 17km. Điểm đầu tại nút giao với Tỉnh lộ 954 (phường Long Sơn, TX. Tân Châu). Điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 91 (phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc). Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.131 tỷ đồng, riêng công trình cầu Châu Đốc có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. “Đây là công trình rất quan trọng, khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giảm áp lực cho Tỉnh lộ 953, góp phần tăng tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ quốc phòng - an ninh khu vực biên giới” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Vì tính chất quan trọng như vậy, nên ngay sau khi thị sát tình hình công trường, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các bên liên quan, nhằm nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trước tình trạng nhà thầu đổ lỗi cho việc thiếu cát san lấp, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp khẩn trương làm việc với người đại diện các nhà thầu thi công để thống nhất việc cung cấp cát, phục vụ cho việc san lấp; buổi làm việc phải có biên bản cụ thể về các giải pháp, lộ trình và cam kết thực hiện, làm cơ sở để quản lý, phối hợp chặt chẽ và xem xét xử lý vi phạm (nếu có) trong quá trình tổ chức thực hiện.

Giải pháp

Đối với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng (2 hộ thuộc địa bàn TP. Châu Đốc và 12 hộ thuộc địa bàn TX. Tân Châu) Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh phối hợp UBND TP. Châu Đốc, UBND TX. Tân Châu tích cực vận động để bà con sớm di dời, bàn giao mặt bằng. Trường hợp các hộ dân này không đồng ý di dời, bàn giao mặt bằng thì hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với đề nghị của UBND TX. Tân Châu về việc xây dựng khu tái định cư trên phần diện tích đất công (dự kiến 62 nền, trong đó bố trí 16 nền tái định cư cho các hộ thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp), Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND TX. Tân Châu và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh giải pháp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tích cực đôn đốc, kiểm tra việc tập kết thiết bị, vật tư và nhân lực tại công trường đối với các nhà thầu thi công, tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng theo hợp đồng đã ký; không xem xét gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đối với các gói thầu chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu.

Về phía Sở Giao thông vận tải, đối với đề nghị điều chỉnh thiết kế “lớp đệm cát thoát nước” của hạng mục xử lý đất yếu nền đường thuộc dự án, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị này khẩn trương thực hiện theo nội dung tại Công văn 6301/VPUBND-KTN, ngày 9/11/2022 của Văn phòng UBND tỉnh. Về việc thực hiện chức năng quản lý ngành đối với các dự án trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có ý kiến như sau, đối với các dự án phải điều chỉnh giải pháp thiết kế trong quá trình triển khai thực hiện, cần phải tính đến việc phù hợp với điều kiện thực tế, yếu tố kinh tế của dự án… Tuy nhiên, phải đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng công trình và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, qua đó sớm phát hiện những yếu tố rủi ro, chưa đảm bảo chất lượng trong quá trình thực hiện dự án để kịp thời yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh, khắc phục; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn…

Buổi kiểm tra tại công trường và làm việc với đại diện các nhà thầu cùng các bên liên quan của Chủ tịch UBND tỉnh đã tháo gỡ được rất nhiều những khó khăn, vướng mắc, giúp dự án được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng.

“Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt, khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông liên vùng, tạo điều kiện để Tân Châu phát triển thương mại - dịch vụ, kinh tế biên giới, phát triển du lịch, mời gọi đầu tư. Cầu Châu Đốc khi xây dựng xong, giúp Tân Châu phá được thế cô lập, phụ thuộc vào phà mấy chục năm nay. Chính từ đó, nhân dân trên địa bàn rất vui mừng và mong đợi công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ phân tích.

 

MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích