Gỡ khó cho trung tâm chính trị cấp huyện

30/08/2023 - 07:05

 - Thời gian qua, nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Trung tâm chính trị cấp huyện khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong công tác giáo dục lý luận chính trị; đóng vai trò xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ học tập lý luận chính trị

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Theo đánh giá, hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện có nhiều đổi mới trong tổ chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm nội dung, yêu cầu; chủ động cập nhật, bổ sung quan điểm chỉ đạo của các nghị quyết, chỉ thị, kết luận Đại hội XIII của Đảng, nhất là chú trọng vấn đề đặt ra đối với yêu cầu cách mạng trong tình hình mới. Việc truyền đạt kiến thức chương trình theo hướng liên hệ, vận dụng thực tiễn địa phương, cơ sở được các trung tâm rất coi trọng. Năm 2022, toàn tỉnh mở 1.026 lớp đào tạo, bồi dưỡng 92.790 học viên.

Hiện nay, các đơn vị đẩy mạnh thực hiện Kết luận 66-KL/TW, ngày 8/11/2019 của Ban Bí thư (khóa XII), tổng kết việc thực hiện Quy định 185-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Quy định 208-QĐ/TW, ngày 8/11/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện... Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm túc chế độ học tập lý luận chính trị theo hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cấp ủy địa phương.

Khó khăn, bất cập các đơn vị, địa phương gặp phải nằm ở lực lượng giảng viên trung tâm chính trị chủ yếu kiêm chức, nên chưa chủ động thời gian lên lớp. Mặt khác, Trung ương chưa kịp thời cập nhật tài liệu chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại trung tâm chính trị cấp huyện. “Việc chiêu sinh, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng gặp nhiều khó khăn, số lượng đăng ký tham gia học tập của đảng ủy xã, thị trấn còn ít, nhất là chương trình sơ cấp lý luận chính trị. Việc biên soạn, bổ sung, hướng dẫn một số chương trình; cập nhật kiến thức mới vào tài liệu tuy đã có nhiều cố gắng nhưng còn chậm so yêu cầu” - lãnh đạo một trung tâm chính trị cấp huyện cho biết.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên trách ở một số trung tâm chính trị cấp huyện chưa bảo đảm biên chế. Công tác xây dựng, hoàn thiện tổ chức, bộ máy, bổ sung cán bộ cho trung tâm còn chậm, chưa đảm bảo theo quy định. Năng lực, nghiệp vụ giảng dạy của một số giảng viên chuyên trách trẻ tuổi hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số giảng viên có kinh nghiệm nhưng ngại đổi mới, cập nhật phương pháp mới. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy và học tập tại trung tâm còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên của các trung tâm chưa phù hợp...

Cần giải pháp căn cơ

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban, tập huấn công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp cơ quan, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy cho giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện. Cấp ủy tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên trung tâm tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phục vụ giảng dạy. Ưu tiên cho giảng viên đăng ký đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, hoặc công bố sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị; tham gia sơ, tổng kết, xây dựng chương trình, đề án... thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp huyện.

Nhất là, chủ động bổ sung, cập nhật kiến thức theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; gắn nội dung bài giảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thường xuyên mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở phù hợp yêu cầu cụ thể của từng địa phương, vùng, miền...

28 tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp cơ quan tham mưu, đề xuất Ban Bí thư ban hành quy định về trung tâm chính trị đạt chuẩn theo Kết luận 66-KL/TW. Việc sớm có văn bản quy định sẽ giúp các tỉnh, thành phố căn cứ xây dựng đề án trung tâm chính trị cấp huyện chuẩn và bố trí ngân sách phù hợp.

Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) Đoàn Văn Báu cho biết: “Kết luận 66-KL/TW yêu cầu: “Phấn đấu đến năm 2025, về cơ bản các trung tâm trong cả nước đều đạt chuẩn”, nhưng lại chưa giao cho đơn vị nào chủ trì xây dựng tiêu chí trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn. Năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng dự thảo quy định về tiêu chí, quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn trình Ban Bí thư. Ngày 26/8/2021, Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung hoàn thành nội dung trong Kết luận 66-KL/TW được Ban Bí thư giao; nên chưa xem xét việc ban hành quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn. Trên cơ sở kiến nghị của địa phương, Vụ Lý luận chính trị sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất Ban Bí thư giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan để xây dựng quy định tiêu chí, quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn, sớm triển khai thực hiện”.

HỮU HUYNH