Hành trình 7 năm không sử dụng túi ny-lon của chị Vĩ

07/08/2018 - 06:17

 - Tôi không gọi bài viết này là gương người tốt việc tốt, cũng không sử dụng hình ảnh cá nhân của chị Lê Đình Yến Vĩ (sinh năm 1975, ngụ khóm Bình Khánh 7, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên). Bởi theo chị Vĩ, việc làm của chị chẳng có gì to tát. Chị chỉ đang cố gắng tự thay đổi chính mình và truyền cảm hứng cho người xung quanh mà thôi. Đó là hành trình “nói không với túi ny-lon” mà chị đã và đang thực hiện 7 năm qua.

Là một viên chức Nhà nước, chị thường xuyên lên mạng Internet tìm hiểu thông tin, phục vụ cho công việc lẫn sinh hoạt hàng ngày.

“Tôi nhận ra môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, do thói quen sử dụng túi ny-lon vô tội vạ và khâu xử lý rác thải chưa đảm bảo yêu cầu. Chẳng cần nói đến những điều lớn lao, trước hết, tôi muốn bảo vệ mình và gia đình, cố gắng tránh xa túi ny-lon, các loại hộp xốp, ống hút, muỗng nhựa... sử dụng 1 lần. Hành trình 7 năm của tôi bắt đầu như thế” - chị Vĩ chia sẻ.

 Đem cà-mên theo đựng thức ăn thay bọc ny-lon

 Đem cà-mên theo đựng thức ăn thay bọc ny-lon

Nói thì nhẹ nhàng, chứ thật ra hành trình của chị không đơn giản chút nào. Chị phải mất hơn 6 năm để hình thành thói quen cho chính mình. Đầu tiên là giảm sử dụng các loại sản phẩm từ nhựa, ny-lon; tận dụng các bọc ny-lon, chai nhựa cũ; bắt đầu làm quen với túi kraft, túi tự xếp.

Thời gian đầu, chị vẫn thi thoảng sử dụng bọc ny-lon vì… quên mang theo túi giấy. Rút kinh nghiệm, sau đó trong cốp xe chị luôn để sẵn túi xếp, cà-mên, túi giấy. Hôm nào không đem theo, chị cố gắng trở về nhà lấy để tránh cảm giác như “bị dị ứng với bọc ny-lon”.

Mua điểm tâm sáng cho người nhà, nếu là bánh mì, bánh bao… gọn nhẹ, chị sử dụng túi giấy xếp (từ giấy báo, lịch cũ…) có kích cỡ phù hợp. Nếu mua các món khác, chị đưa cà-mên. Đi chợ mua cá, thịt, chị đưa hộp cho người bán để họ đựng thay vì 2-3 lớp bọc ny-lon. Mua nước dừa, các loại thức uống lỏng chị sử dụng vật dụng riêng để họ đổ vào.

Trường hợp bất đắc dĩ, có người đưa đồ trong bọc ny-lon chị vẫn nhận lấy nhưng sẽ tái sử dụng nhiều lần, không để phát sinh thêm bọc ny-lon mới từ cá nhân mình. Tất cả đồ đã mua, chị cho vào túi thân thiện môi trường (loại 30x35cm, có thể xếp gọn và giặt sạch).

Chị dùng ống hút tre thay ống nhựa, hầu như không còn dùng ly nhựa. Chị chịu khó rửa các hộp đựng thực phẩm, xếp giấy tại nhà… để sử dụng thường xuyên. “Dẫu mất đi chút ít công sức của bản thân, nhưng những việc làm ấy sẽ mang đến lợi ích cho cộng đồng. Tôi nghĩ, sự đánh đổi ấy hoàn toàn xứng đáng!” - chị Vĩ khẳng định.

Con chị Vĩ giúp mẹ xếp túi giấy sử dụng

Lúc đầu, chị âm thầm thực hiện những công việc này bởi chị nhận ra: không phải ai cũng hiểu được điều mình đang làm. Chị cảm thấy đơn độc. Nhất là khi đưa hộp để người bán cá, thịt đựng vào, họ phản ứng: “Sao kỳ vậy?”.

Mọi người xung quanh đã quá quen với việc sử dụng bọc ny-lon, hộp xốp, nên cách làm của chị giống như “người ngoài hành tinh”. Nhưng rồi, lúc nhìn thấy người bán quen tay nhận hộp rỗng từ tay chị, thấy họ mỉm cười vui vẻ; thấy chồng, con không phản đối, chị tin rằng, mình đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.

Dù cần nhiều thời gian để người nhà và cộng đồng hình thành thói quen mới này giống chị, nhưng dẫu sao, đó đã là tín hiệu khả quan, chứng tỏ nhận thức của họ đã có chuyển biến tốt. Vậy là chị bắt đầu chia sẻ trên Facebook cá nhân, vận động đồng nghiệp cùng thực hiện.

Không dừng lại ở đó, chị còn mày mò đem rác thải nhà bếp ủ phân trồng cây; sử dụng nước quả bồ hòn để tắm giặt, rửa chén, vệ sinh nhà cửa, tưới cây… Tức là, chị sẽ tiến tới hạn chế sử dụng hóa chất tẩy rửa; hạn chế thải rác ô nhiễm ra môi trường.

Có một việc khiến chị rất trăn trở: xử lý thế nào đối với pin đã qua sử dụng? Chị muốn tìm nơi xử lý hiệu quả loại phế phẩm nguy hại này. Nếu có, chị sẽ là đầu mối thu gom pin cũ từ cơ quan, hàng xóm và người quen, định kỳ đem đến nơi xử lý, thậm chí gửi trả chi phí xử lý để quy trình này được ổn thỏa nhất.

Từ hành động của chị, một số người bạn chị đã bắt đầu “thử làm theo”. Tại cơ quan tôi, sáng sáng có mấy chị đồng nghiệp cùng mang cà-mên đựng thức ăn đến căn-tin, thay cho hộp xốp thường thấy. Họ cùng bày cà-mên cùng ăn với nhau trong một niềm vui nho nhỏ: hôm ấy, bớt đi được vài hộp xốp, vài bọc ny-lon thải ra môi trường. Giống như chị Vĩ, họ bắt đầu hành trình thay đổi thói quen của mình.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất thải nhựa và bọc ny-lon do con người xả thải trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ, cống rãnh, biển… sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người; làm giảm diện tích ao, hồ, sông; gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, khi thải ra môi trường, bọc ny-lon phải mất hàng trăm năm mới bị phân hủy hoàn toàn, gây ô nhiễm môi trường đất và nước, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ sinh thái. Nếu đốt ny-lon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

GIA KHÁNH