Hấp dẫn ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

09/04/2025 - 07:38

 - Ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer nổi tiếng với nhiều món ăn độc đáo, phổ biến từ trong đời sống thường nhật đến các lễ hội quan trọng. Nét văn hóa này được gìn giữ bởi người dân, chính quyền địa phương, thông qua việc đẩy mạnh quảng bá du lịch, tổ chức các lễ hội, sự kiện… viết nên câu chuyện cho sản phẩm bản địa.

Các món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Chúng tôi có dịp được dự một buổi lễ dâng y ở huyện Tri Tôn. Sau nghi thức tôn giáo, người nhà thết đãi khách bằng bữa ăn đặc trưng của đồng bào DTTS Khmer. Bún cá là điểm nhấn đáng chú ý, nhìn khá đơn giản với bún và phần thịt cá giã nhuyễn ở lớp trên, màu vàng nghệ đậm đà. Ăn kèm với bún là dĩa rau ghém, nước mắm trong điểm vài lát ớt cay. Ở thị trấn Tri Tôn hoặc đến huyện Thoại Sơn, muốn thưởng thức bún cá nấu theo cách của đồng bào DTTS Khmer cũng không khó. Những phụ nữ khéo tay, giỏi nêm nếm mở quán trong trung tâm thị tứ để đông đảo khách hàng có thể ăn thường xuyên. Bún cá đâm đúng như tên gọi, hầu hết thịt cá được giã nhuyễn nấu trong nước lèo, tạo vị ngọt đậm đà và tự nhiên, hòa quyện với ngải bún, các gia vị được chọn lọc kỹ càng.

Mùa du lịch, đến vùng Bảy Núi khám phá, danh sách các món ẩm thực được “dân phượt” và những người bản địa giới thiệu đa dạng không kể xiết. Địa phương còn đẩy mạnh quảng bá ẩm thực độc đáo thông qua việc tổ chức các gian hàng có mặt trong khuôn khổ hầu hết sự kiện được diễn ra. Cùng với đó, giới thiệu mặt hàng nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm đặc thù để kích cầu, hỗ trợ hộ dân, cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận khách hàng tiêu thụ. Trong đó, ẩm thực của đồng bào DTTS Khmer luôn có món đu đủ đâm, ếch nướng, gà đốt lá chúc, cháo bò, bánh ka-tum, bánh bò thốt nốt, gà nấu lá giang, thốt nốt sữa, cốm dẹp... Các sự kiện tổ chức thường niên được lồng ghép chuỗi hoạt động sôi nổi, từ văn hóa, thể thao, đến trò chơi dân gian, các món ăn đặc trưng của đồng bào.

Chỉ riêng món bánh canh, từ TX. Tịnh Biên sang huyện Tri Tôn cũng có nhiều phiên bản để lựa chọn cho du khách, như: Bánh canh Vĩnh Trung, bánh canh lò rèn, bánh canh đợi, bánh canh - bánh cam, bánh canh hành… Sợi bánh canh được làm từ gạo đặc sản của đồng bào, có độ mềm, dẻo dai, thơm, có nơi chế biến thành sợi tròn, hoặc ép sợi dẹt bóng bẩy. Gắn với những điểm đến du lịch tại địa phương, các tiệm bánh canh trở nên nổi tiếng, đón đông đảo thực khách đến thưởng thức, giúp ẩm thực trở thành sản phẩm không thể thiếu trong hành trình khám phá của các đoàn, tour trong lẫn ngoài tỉnh. Sang huyện Tri Tôn, bánh canh lại có sắc thái riêng, ăn kèm bánh cam gọi là bánh canh - bánh cam; bánh canh bò viên phải chờ xắt bột tại chỗ, mọi nguyên liệu đều tươi mới gọi là bánh canh đợi…

Trong những món ăn được mệnh danh là “đặc sản lề đường” thì món bò nướng dọc con đường dẫn vào ấp Phnom Pi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) là một trong những cái tên đáng nhắc đến đầu tiên. Từng miếng thịt bò được xiên xen kẽ với các miếng mỡ đem nướng để hài hòa vị béo, mềm, không ngán, ăn kèm với đu đủ đâm có hơn 10 nguyên liệu, dậy mùi thơm hấp dẫn. Các món ăn chủ yếu được sử dụng đường thốt nốt, đặc trưng trong ẩm thực của đồng bào DTTS Khmer không lẫn vào đâu được. Kế đến là món ếch nướng, sẽ không được tìm thấy ở nơi nào khác, mà phải mang vị chuẩn do đồng bào Khmer vùng Bảy Núi chế biến mới trọn cảm giác ngon. Ếch nướng được bán nhiều điểm trong trung tâm thị trấn Tri Tôn, là món ăn chế biến khá cầu kỳ, sử dụng gia vị phong phú. Trong đó, nghệ đâm, sả, lá chúc là gia vị chủ đạo tạo nên hương vị món ăn. Thịt ếch được băm nhuyễn với thịt ba rọi, ướp gia vị và dồn toàn bộ trở lại bụng ếch, đem nướng trên than hồng, liên tục quét nước sốt để lớp thịt chín vàng óng, bóng bẩy.

Rất nhiều món ăn được thực khách chấm là đặc sản, vốn trước đây chỉ là món ăn vặt phổ biến trong phum, sóc. Nhờ du lịch được đẩy mạnh, du khách tò mò tìm đến thưởng thức ngày càng đông, bà con đã mở quán kinh doanh, tạo thêm thu nhập đáng kể, lại được dịp quảng bá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của mình đến cộng đồng. Những món ăn đơn giản mà kỳ công là thành quả từ sự giao thoa văn hóa, sáng tạo khéo léo của các bà nội trợ tận dụng các nguyên liệu sẵn có, làm phong phú thêm bản đồ ẩm thực cho vùng Bảy Núi.

MỸ HẠNH