Hiến máu cứu người trong mùa dịch bệnh

20/02/2020 - 07:08

 - Những ngày đầu năm 2020, ngân hàng máu của bệnh viện đứng trước nguy cơ thiếu hụt lượng máu dự trữ nghiêm trọng. Đồng thời, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến công tác vận động hiến máu và tiếp nhận máu thật sự khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều địa phương, đơn vị ở An Giang đã nỗ lực để tổ chức các buổi hiến máu tình nguyện với sự tham gia tích cực của cán bộ, viên chức và người dân.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hơn 20 đợt hiến máu tình nguyện, tiếp nhận khoảng 3.000 đơn vị máu. Hoạt động này đang được Hội Chữ thập đỏ các địa phương tiếp tục thực hiện, nhất là vào cao điểm tình hình hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu cứu chữa cho người bệnh trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Trong khi mọi hoạt động học tập, làm việc đều hạn chế, tránh tập trung đông người phòng lây lan dịch bệnh, việc huy động cộng đồng hiến máu gặp không ít khó khăn. Có người còn băn khoăn, hiến máu trong thời điểm này có khiến cơ thể suy giảm hệ miễn dịch không. Nhờ công tác tuyên truyền, tư vấn, nỗi lo được xua tan, từng địa bàn lần lượt kêu gọi người dân tham gia hiến máu, góp phần cải thiện tình trạng thiếu máu.

Toàn bộ nguồn tiếp nhận được chuyển về Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ lưu trữ. Tại huyện Thoại Sơn, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tổ chức đợt hiến máu lần thứ 1 của năm, tiếp nhận 107 đơn vị máu.

Hưởng ứng tinh thần tiếp máu cứu người, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc huy động bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên bệnh viện và người nhà bệnh nhân, sinh viên tình nguyện cùng tham gia, thu về 154 đơn vị máu.

Trên địa bàn huyện Phú Tân, tiếp nối từ “Lễ hội xuân hồng” hiến máu đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tổ chức lần lượt ở nhiều cụm xã, thị trấn, tiếp nhận tổng cộng 237 đơn vị máu. Lồng ghép với việc thiện nguyện là truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người dân vừa chủ động bảo vệ sức khỏe, đồng thời cũng an tâm hiến máu một cách an toàn.

Mở rộng các hoạt động từ thiện - xã hội, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) phối hợp Hội Chữ thập đỏ lần đầu vận động tín đồ trong toàn đạo tham gia hiến máu tình nguyện.

Theo kế hoạch, kêu gọi chủ yếu tại huyện Phú Tân và Chợ Mới vì gần trụ sở giáo hội nhất với số lượng khoảng 100 người. Tuy nhiên, khi biết tin này, nhiều bà con tín đồ ở xa cũng đến tham gia, tổng cộng có hơn 200 tín đồ tự nguyện đến đăng ký, kết quả tiếp nhận được 154 đơn vị máu.

Từ TX. Tân Châu, một số bà con rủ nhau khởi hành từ sáng sớm đến An Hòa tự. Trong đoàn, có bà Huỳnh Thị Thủy (54 tuổi, xã Vĩnh Hòa), người đã tham gia hiến máu tình nguyện hơn 20 lần. “Tôi hiến máu ở địa phương nhiều rồi, riêng lần này hưởng ứng theo kêu gọi của ban trị sự. Việc hiến máu cứu người rất ý nghĩa và rất cần thiết, bất kể ở đâu cần, nếu có khả năng bà con nên tham gia” - bà Thủy chia sẻ.

Là giáo viên và đã tham gia hiến máu lần thứ 6, ông Huỳnh Ngọc Trung (xã Long Giang, Chợ Mới) cho biết, trước đây theo định kỳ tháng 4 hàng năm ông đến hiến máu tình nguyện tại xã. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, ông biết được nguồn máu cứu chữa bệnh nhân hiện đang khan hiếm nên sang tham gia với đồng đạo.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham gia hiến máu tình nguyện

Không chỉ bà con tín đồ trong tỉnh, nhiều gia đình, người cùng xóm ở tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An cũng tập trung về trong dịp vừa qua. Sau tinh thần cho máu cứu người, đại diện các ban trị sự còn dự để rút kinh nghiệm, tiếp tục trở về tổ chức tại địa bàn cư trú.

Do lần đầu triển khai, nhiều người phải đợi rất lâu để được lấy mẫu, nhận kết quả kiểm tra nhanh mới vào hiến máu, nhưng ai cũng động viên nhau kiên nhẫn, người có kinh nghiệm giải thích cho người lần đầu tham gia về sức khỏe, lợi ích sau khi cho máu.

Phó Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH Lê Ngọc Lợi cho biết, hàng năm tín đồ PGHH tự nguyện đăng ký hiến máu ở địa phương, có người đã tham gia rất nhiều lần. Hưởng ứng lời kêu gọi của giáo hội lần này, bà con tín đồ trong đạo thể hiện tinh thần rất tích cực.

Ông Lợi trần tình: “Nguồn máu cứu chữa bệnh hiện nay đang khan hiếm, cho máu cũng là việc thiện giúp đời. Khi người dân cần, tín đồ giúp đỡ được gì thì hưởng ứng tùy sức, là một nghĩa cử trong thực hành “tứ ân” theo tinh thần của đạo. Sau lần tổ chức này, các đơn vị sẽ duy trì thực hiện theo quy chế cụ thể, có thể định kỳ 4 lần/năm”.

“Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” là nghĩa cử cao đẹp và nhân văn góp phần cứu chữa, điều trị người bệnh cần truyền máu. Thông điệp vẫn đang lan tỏa và kêu gọi các địa phương, đơn vị tùy điều kiện thích hợp tổ chức, bởi không chỉ trong tình hình dịch bệnh hiện nay mà bất cứ khi nào ngân hàng máu và bệnh nhân cũng cần lượng máu dự trữ kịp thời.

MỸ HẠNH