Tuy phong trào hiến máu tình nguyện được đánh giá thành công bước đầu, nhưng số lượng máu thu nhận vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cần điều trị. Tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, nhất là vào những ngày lễ, Tết... vẫn thường xảy ra. Chính vì thế, việc hiến máu cứu người là hoạt động rất cần thiết.
Với thông điệp “Hiến máu thường xuyên - Vì một thế giới khỏe mạnh hơn”, từng bước xây dựng nét đẹp văn hóa “Đầu xuân hiến máu cứu người”, góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu cho việc điều trị, ngay sau Tết Nguyên đán 2022, tại huyện Chợ Mới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang đã tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông vận động hiến máu tình nguyện và kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng “Lễ hội Xuân hồng 2022”.
Hoạt động diễn ra rất thành công, lượng máu nhận được vượt so kế hoạch. Huyện đã vận động 600 người hiến máu, tiếp nhận được 500 đơn vị máu và 30 người hiến máu dự bị trong toàn huyện.
Đo huyết áp trước khi hiến máu
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh An Giang Huỳnh Thanh Ngọc kêu gọi: “Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng xã hội. Hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, ngược lại còn có lợi cho sức khỏe, vừa giúp người khác, vừa là cách kiểm tra và giám sát sức khỏe định kỳ cho người hiến máu. Đây là hoạt động quan trọng đem lại sức khỏe và sự sống cho hàng ngàn người bệnh cần được truyền máu.
Với ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh kêu gọi các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các đơn vị vũ trang và toàn thể nhân dân tích cực tham gia chiến dịch, góp phần đảm bảo có đủ lượng máu phục vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh”.
Là người đã có 17 lần tham gia hiến máu, anh Phạm Anh Tuấn (ngụ ấp Tấn Lợi, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Đã có biết bao nhiêu người hàng ngày tham gia làm công tác từ thiện để cứu giúp người gặp hoạn nạn. Có thể trong số họ có người giàu có để sẻ chia bằng tiền bạc, có người bằng công sức hoặc có người chỉ bằng nắm gạo tình thương chia sẻ hàng ngày. Ngoài những nghĩa cử trên, chúng ta cũng còn có những giọt máu nghĩa tình để cứu người. Với thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, tôi kêu gọi mọi người nên tích cực tham gia hiến máu để cứu người”.
Người dân tham gia hiến máu
“Tôi đã tham gia hiến máu tình nguyện trên 40 lần trong hơn 10 năm nay. Vốn là nông dân “ai thuê gì làm nấy”, nhưng thấy được ý nghĩa của việc hiến máu nên tôi tích cực tham gia. Sau hiến máu, thấy sức khỏe rất tốt, nên mỗi khi có đợt vận động là tôi đăng ký ngay”- anh Trần Tấn Cường (sinh năm 1986, ngụ ấp Thị, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới) chia sẻ.
Cùng quan điểm, Trưởng ban Nhân dân ấp Long Hòa 2 (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) Lê Văn Hà bày tỏ: “Tôi đã hiến máu 20 lần, thấy việc làm ý nghĩa nên tích cực tham gia. Đồng thời, thường xuyên vận động người thân, bạn bè và người dân cùng tham gia hiến máu”.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp qua đời thương tâm vì mất máu, nhiều nhất là nạn nhân các vụ tai nạn cần phải khẩn cấp tiếp máu để duy trì sự sống. Bản thân các bệnh viện không phải lúc nào cũng có sẵn lượng máu hoặc loại máu phù hợp với bệnh nhân. Hiểu được điều này, phong trào hiến máu tình nguyện nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang và người dân. Kể cả lực lượng y, bác sĩ các bệnh viện cũng tích cực hiến máu cứu người.
An Giang là nơi khởi đầu tốt cho phong trào hiến máu tình nguyện với số lượng máu mỗi năm tiếp nhận đều tăng. Nếu năm 2004, có 3.000 đơn vị máu thì năm 2012, tăng lên gần 15.000 đơn vị máu. Từ năm 2013, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang và Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc đã chuyển giao việc tiếp nhận máu cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, công tác hiến máu tình nguyện tiếp tục được quan tâm nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu máu để cứu người.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU