Hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam được EU gọi là “thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển”. Thực tế cho thấy, mất gần 10 năm đàm phán trên tinh thần cởi mở, vì lợi ích chung của Việt Nam và EU cũng như sự phát triển thịnh vượng của thế giới, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU mới được ký kết.
Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tốn rất nhiều công sức và tâm huyết để đạt được. Tháng 10-2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Trải qua quá trình đàm phán, rà soát pháp lý, thay đổi nội dung, đến tháng 6-2018, Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành 2 hiệp định gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), đồng thời chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA. Ngày 17-10-2018, Ủy ban Châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA. Ngày 25-6-2019, Hội đồng Châu Âu (EC) đã phê duyệt cho phép ký hiệp định. Ngày 30-6-2019 mang ý nghĩa lịch sử trong quan hệ của Việt Nam và EU khi 2 bên chính thức ký kết EVFTA và IPA. Ngày 30-3-2020, Hội đồng Châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA. Dự kiến tại kỳ họp thứ 9 (khóa XIV) tới đây, Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận, thông qua EVFTA, điều kiện để hiệp định này đi vào thực thi.
EVFTA được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “Hiệp định mở ra chân trời mới cho sự phát triển của Việt Nam và EU”, còn bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy Thương mại của EU nhấn mạnh: “Đây là tín hiệu gửi đi thế giới khi xu hướng bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nơi. EU hướng tới những người bạn ở Châu Á, và Việt Nam là trụ cột kinh tế ở ASEAN. Hiệp định này là viên gạch nền tảng quan trọng trong hoạt động các bên”.
Bà Cecilia Malmstrom cho biết, EVFTA sẽ xóa bỏ 99% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU và 1% còn lại sẽ được gỡ bỏ thông qua hạn ngạch thuế quan. Điều này rất có lợi cho xuất khẩu khi mà EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch 2 chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD (xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD). Trong đó, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ được hưởng lợi cạnh tranh khi mỗi năm, EU nhập khẩu nông sản đến 150 tỷ USD. Thu nhập người dân EU cao nhất thế giới nên họ sẵn sàng mua hàng có chất lượng, tiêu chuẩn cao. Đây là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình về chất lượng. EVFTA dự kiến sẽ giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000 lao động/năm cho Việt Nam, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang EU. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,3% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Theo đánh giá của các chuyên gia, EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác. Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi EVFTA và IPA cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Mặc dù Hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam được đánh giá là minh bạch, công bằng, có lợi cho 2 bên cũng như sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới nhưng trong quá trình ký kết, thông qua hiệp định, vẫn có một số ý kiến thiểu số phản đối. Cụ thể, 28 “tổ chức xã hội dân sự” trong nước và quốc tế đã cùng ký vào một thỉnh nguyện thư kêu gọi Quốc hội Châu Âu (EP) không thông qua EVFTA và IPA “trước khi chế độ cộng sản Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền”. Thư thỉnh nguyện bày tỏ sự “thất vọng” vì Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) của EP đã thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA dù “nhà cầm quyền Việt Nam không có những cải thiện nhân quyền đáng kể”, hy vọng rằng EP sẽ “sửa chữa sai sót” của INTA. Kèm theo đó là các yêu cầu rất vô lý như: buộc Việt Nam phải sửa hoặc xóa bỏ nhiều điều khoản trong Bộ luật Hình sự, đặc biệt các điều 109, 116, 117, 331 và 318.
Tuy nhiên, những đòi hỏi mơ hồ, không có cơ sở của những “tổ chức xã hội dân sự” này đã bị bác bỏ. Hội đồng Châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và hiệp định này sẽ có hiệu lực sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua. Ông Geert Bourgeois, báo cáo viên Hiệp định Tự do thương mại với Việt Nam của EU nhấn mạnh: “Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị, tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam. Việc thông qua hiệp định sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền”.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, việc kêu gọi trì hoãn những hiệp định toàn diện và tiến bộ như EVFTA và IPA là đi ngược lại lợi ích quốc gia Việt Nam và các đối tác tin cậy của Việt Nam. Đó là tư tưởng của những kẻ bảo thủ, phản động, không muốn đất nước Việt Nam vươn tầm phát triển!
NGÔ HOÀNG