Thời gian qua, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Mặt trận, đoàn thể các cấp tích cực tuyên truyền trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Cùng với đó là sự phối hợp thực hiện của các cấp, ngành nên CVĐ được triển khai sâu rộng, tạo sự đồng thuận cao và hưởng ứng tích cực của người dân, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
An Phú là địa bàn đầu nguồn, biên giới. Trước đây, việc tiếp cận hàng hóa chất lượng có xuất xứ trong nước đối với người dân các xã vùng sâu còn rất hạn chế. Từ khi những phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn biên giới”, Hội chợ cửa khẩu biên giới Khánh Bình… được tổ chức hàng năm đã giúp bà con mua sắm hàng hóa chất lượng có xuất xứ trong nước, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Mỗi phiên chợ diễn ra từ 3-4 ngày, hội chợ kéo dài 6-7 ngày thu hút rất đông người dân mua sắm. Đây không chỉ là sự tương tác 2 chiều giữa DN và người dân khu vực nông thôn, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng hóa xuất xứ trong nước.
Có được những phiên chợ, hội chợ sôi động như thế là kết quả của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức sử dụng hàng Việt Nam trong toàn xã hội. Với sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành bằng nhiều hình thức (biên soạn tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân, tổ chức thi chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu…).
Đặc biệt hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng tuyên truyền đối với các cơ quan báo chí, lực lượng báo cáo viên trong tỉnh và Ban Tuyên giáo các Huyện, Thị, Thành ủy tập trung tuyên truyền CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sở Thông tin và Truyền thông định hướng nội dung tuyên truyền đối với Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài Truyền thanh các địa phương tăng cường tuyên truyền, phản ánh về CVĐ. Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh kịp thời hoạt động của DN trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, phương thức quản lý để nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm các làng nghề, sản phẩm truyền thống, thủ công mỹ nghệ; các chuyến “Đưa hàng Việt về nông thôn”, các kỳ hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao”…
Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết: Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, giá cả phù hợp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đây còn là dịp để người dân nông thôn sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt.
Đặc biệt, việc tổ chức phiên chợ theo hình thức siêu thị lưu động được người dân nhiệt tình ủng hộ. Doanh số bán hàng và số lượt khách đến mua sắm tăng lên từng năm cho thấy tín hiệu tích cực của chương trình này.
Năm 2017, Sở Công thương chủ trì phối hợp với siêu thị Tứ Sơn và một số DN trong tỉnh tổ chức 4 phiên chợ và 21 chuyến bán hàng lưu động “Đưa hàng Việt về nông thôn” thu hút trên 57.000 lượt người mua sắm với doanh số hơn 4,6 tỷ đồng.
Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã phối hợp tổ chức 5 hội chợ (mỗi đợt từ 5-7 ngày) tại TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên với 650 DN tham gia 1.300 gian hàng, thu hút 645.000 lượt khách tham quan, mua sắm (24.000 người Campuchia) với doanh số 54 tỷ đồng (có 44 DN trong tỉnh với 81 gian hàng).
Tổ chức 2 phiên chợ tại Phú Tân, Chợ Mới có 40 DN “Hàng Việt Nam chất lượng cao” tham gia 87 gian hàng, thu hút gần 29.000 lượt người tham quan, mua sắm với doanh số 2,51 tỷ đồng (có 19 DN trong tỉnh).
Vào thứ 7 hàng tuần (từ ngày 9-9-2017), tổ chức “Phiên chợ hợp nông” tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh với quy mô 20 gian hàng của các DN, HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh tham gia các mặt hàng: nông - thủy sản, thực phẩm, thực phẩm chế biến… theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm.
Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã mang lại những hiệu ứng tích cực, đưa nhiều hàng hóa thiết yếu của các DN sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng nông thôn. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, DN tham gia các hội chợ nhằm quảng bá hình ảnh, uy tín thương hiệu Việt.
Đồng thời, tổ chức để các cơ sở sản xuất, DN tham gia chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa; tìm hiểu thị trường, tiếp cận hệ thống phân phối của DN các tỉnh, thành phố để liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; chú trọng kiểm tra hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đặc biệt là minh bạch hóa trong sản xuất - kinh doanh nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và đảm bảo thị trường phát triển bền vững.
HỮU HUYNH