Hiệu quả chuyển đổi cây trồng

09/10/2020 - 05:19

Tuy có đôi lúc gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nhưng những sản phẩm cây ăn trái, một số loại rau màu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người canh tác. Khi tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước theo quy hoạch gắn với liên kết tiêu thụ thì giá trị sản xuất trên cùng diện tích sẽ được nâng lên.

Những diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái đạt giá trị cao hơn

Thị trường phục hồi

Sau thời gian rớt giá mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giá nhiều loại cây ăn trái đã tăng trở lại, đặc biệt là xoài - loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh. Theo một số chủ vườn xoài ở Tri Tôn, Tịnh Biên, xoài hiện có giá 22.000 đồng/kg đối với xoài tượng da xanh (loại 1), trong khi xoài cát Hòa Lộc (loại 1) 40.000 đồng/kg, xoài keo 25.000 đồng/kg, xoài cát chu 19.000 đồng/kg. Ở vùng chuyên canh xoài cù lao Giêng (Chợ Mới), giá xoài đang phục hồi, hiện giá 22.000 đồng/kg đối với xoài 3 màu (loại 1), còn xoài loại 2 là 11.000 đồng/kg.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, nông dân trên địa bàn tỉnh hiện đang tiếp tục chăm sóc 16.720ha cây ăn trái, trong đó chủ lực vẫn là xoài (11.378ha), chuối (1.108ha), nhãn (428ha), mít (682,1ha), riêng cây có múi đạt 1.422ha (bưởi 494ha, cam 365ha, quýt 180ha…).

Các địa phương trong tỉnh đã từng bước hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như: trái cây (Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…); rau màu (Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, Long Xuyên, Châu Đốc) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.

Theo ông Hiền, giai đoạn 2017-2020, ước tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh hơn 25.582ha, đạt 101% so Quyết định số 784/QĐ-UBND, ngày 8-4-2017 của UBND tỉnh (kế hoạch chuyển đổi 25.337ha). Trong đó, tổng diện tích đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang rau dưa các loại là 9.265,4ha, chuyển đổi sang cây màu 9.262,4ha, chuyển đổi sang cây ăn trái 7.054,6ha.

Tính theo từng năm thì năm 2017 đã thực hiện chuyển đổi sang rau màu và cây ăn trái trên nền đất lúa kém hiệu quả được 6.520ha, năm 2018 là 7.006ha, năm 2019 là 5.714ha. Năm 2020, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Quyết định số 784 là 6.096ha. Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 5.466ha; dự kiến cả năm 2020, diện tích chuyển đổi ước đạt 6.342,4ha, vượt 4% so kế hoạch.

Cần đẩy mạnh liên kết

Thực tế những năm qua cho thấy, các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với mô hình sản xuất các loại rau ăn lá, lợi nhuận bình quân từ 120-150 triệu đồng/ha/năm. Đối với mô hình cây ăn trái, sau thời gian đầu tư 2-3 năm (giai đoạn cây sinh trưởng, chưa cho trái), lợi nhuận mang lại khá cao khi thu hoạch ổn định, đạt từ 500-800 triệu đồng/ha/năm.

Theo Chi cục TT&BVTV An Giang, điều kiện đất đai, khí hậu và nguồn nước của tỉnh thuận lợi cho việc phát triển cây màu, một số loại cây ăn trái. Được sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương nên mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Cùng với cây ăn trái, việc chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ngoài yếu tố giá cao còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, như: thu hái ớt, thu hoạch rau muống, sơ chế rau màu… Đối với các mô hình xen canh lúa - màu, giúp hạn chế được sâu bệnh gây hại cho lúa vào vụ tiếp theo.

Dù thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, thu hút doanh nghiệp (DN) vào đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân, hợp tác xã nhưng diện tích chưa thật sự nhiều. Phần lớn sản phẩm rau màu, trái cây của nông dân vẫn tiêu thụ qua kênh thương lái, giá cả không ổn định. Đối với rau màu, do chưa có dự báo về nhu cầu sản phẩm (số lượng, chủng loại, giá cả, khả năng tiêu thụ trong, ngoài nước) nên khó khăn trong công tác quy hoạch, vận động nông dân chuyển đổi.

Cùng với đó, việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn khi trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều nhà máy chế biến và DN bao tiêu sản phẩm. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao, cống bọng để phục vụ cho vùng màu có diện tích lớn.

Khi vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, sẽ khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, kiểm soát chất lượng, tiêu thụ nông sản và việc tưới tiêu. Việc thiếu nhân công khâu thu hoạch và thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ trồng màu cũng là nguyên nhân khiến nông dân ngại chuyển đổi.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, cùng với khắc phục những khó khăn trên thì cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa nông dân với DN. Trên thực tế, DN thường đòi hỏi nông dân phải sản xuất với số lượng lớn, tuân thủ quy trình canh tác nhưng chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ. Điều này khiến nông dân chưa thật sự yên tâm sản xuất.

“Các địa phương cần đẩy mạnh mời gọi DN trong và ngoài tỉnh đến liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, giám sát việc thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản nhằm hướng đến phát triển bền vững” - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Văn Hiền đề xuất.

NGÔ CHUẨN