Hiệu quả “kép” từ mô hình trồng dược liệu dưới tán xoài

11/10/2024 - 06:54

 - Nhờ thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng khu vực Bến Bà Chi (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) được biết đến là một trong những nơi có diện tích cây ăn trái rộng lớn, nhất là xoài. Cùng với phát triển mô hình trồng cây ăn trái, nông dân còn trồng xen canh các loại dược liệu dưới tán vườn theo hướng “lấy ngắn nuôi dài” để nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Gia đình ông Lê Minh Tuấn là một trong những hộ có diện tích trồng xoài tương đối lớn ở địa phương, với vườn xoài gần 15 năm tuổi, đủ các loại: Xoài đu đủ, xoài thanh ca, xoài cát Hòa Lộc, xoài keo… Hơn 10 năm nay, ông Tuấn mạnh dạn trồng thêm cây dược liệu dưới tán xoài, tổng diện tích gần 2ha.

Cây trồng được ông Tuấn trồng xen canh với xoài là nghệ xà cừ, nghệ Thái và ngải bún. Sỡ dĩ ông Tuấn chọn trồng loại cây trồng này, bởi dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, miễn dịch với nhiều loại sâu bệnh và thích hợp với bóng râm. Đây là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng các xã miền núi và đặc biệt có thể trồng dưới tán rừng, chi phí đầu tư không lớn mà đầu ra thuận lợi. Một trong những điểm đặc biệt của loại cây trồng này là không cần thu hoạch đồng loạt theo mùa vụ, mà tùy vào yêu cầu của thương lái. Nhờ vậy, giúp gia đình ông chủ động thời gian, đảm bảo lợi nhuận khi thu hoạch.

Bên cạnh đó, việc kết hợp loại dược liệu trồng xen dưới tán xoài vừa hạn chế cỏ dại phát triển, đỡ tốn chi phí cắt cỏ trong vườn, vừa tiết kiệm diện tích, tăng thu nhập. Hơn nữa, những loại dược liệu ít bị ảnh hưởng thời tiết nên có thể trồng quanh năm. “Sau khi thu hoạch củ, tôi lấy phần thân cây cắm lại xuống đất. Bình quân khoảng 2 năm, tôi thu hoạch 1 lần. Trồng cây luân phiên nên có thể thu hoạch quanh năm. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp nên chất lượng củ tốt, to, bạn hàng rất thích” - ông Tuấn chia sẻ thêm.

Canh tác dược liệu trong vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả cho nông dân về lợi nhuận, cải thiện đất trồng

Ông Tuấn cho biết, hiện thương lái thu mua nghệ với giá 12.000 đồng/kg; ngải bún 18.000 đồng/kg, khi hút hàng có thể bán với giá 30.000 đồng/kg. “Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tấn nghệ và ngải bún. Từ việc trồng xen canh dược liệu trong vườn xoài đã giúp gia đình tôi thu về gần 100 triệu đồng/năm, có thêm kinh phí đầu tư vào diện tích trồng xoài” - ông Tuấn chia sẻ thêm.

Cùng áp dụng mô hình xen canh, ông Bùi Văn Sự cũng đang thu hoạch vườn nghệ của mình. Ông Sự cho biết: “Ưu điểm lớn nhất của mô hình trồng cây nghệ xen canh dưới tán xoài là tận dụng được quỹ đất. Lẽ ra, dưới tán xoài thì không trồng được cây gì, thế nhưng trồng cây nghệ xen vào thì phù hợp và cho kết quả tốt. Mặt khác, trồng xen cây dược liệu không ảnh hưởng tới sự phát triển của cây xoài, mà còn có thể tận dụng được lượng nước tưới, phân bón, thuốc cho cây, vừa hạn chế được cỏ dại. Hơn nữa, trong những ngày hè nắng nóng, tán cây dược liệu phủ kín mặt đất có tác dụng giữ độ ẩm cho cây xoài. Từ đó, xoài phát triển tốt, cho năng suất ổn định hơn”.

Việc trồng xen canh không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập trong thời gian cây trồng chưa thu hoạch, mà còn giúp đất tơi xốp, tăng thêm chất dinh dưỡng cho xoài phát triển. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Trì Néang Phương cho biết, bên cạnh tập trung các giải pháp hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn để nâng cao giá trị cây trồng của địa phương, thời gian qua, xã Lê Trì rất quan tâm triển khai các giải pháp nhằm lan tỏa các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả giúp nông dân tăng thu nhập.

Một trong những biện pháp được triển khai là phát triển mô hình kinh tế đa tầng, phát triển du lịch nông nghiệp, áp dụng xen canh luân canh trên cùng một diện tích đất... Điển hình là việc nhân rộng mô hình trồng dược liệu trong vườn xoài. “Địa phương kỳ vọng với nhiều giải pháp đồng bộ sẽ góp phần giúp nông dân trên địa bàn xã khai thác tối đa giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, phát triển sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập... Đây còn là đòn bẩy để địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Trì Néang Phương chia sẻ.

Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, cộng với giá trị kinh tế, từ chỗ chỉ là cây trồng xen canh, cây dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn ở xã Lê Trì. Từ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng cây dược liệu xen kẽ dưới tán cây ăn trái, bước đầu mang lại hiệu quả.

Thông qua mô hình này, bà con nông dân không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, mà hoạt động bảo vệ, phát triển rừng ở địa phương cũng có nhiều thuận lợi hơn. Đặc biệt, việc đa canh sẽ hạn chế, tránh tình trạng “mất trắng” khi một trong các loại nông sản mất mùa, rớt giá.

ĐỨC TOÀN