Hiệu quả kinh tế từ cây mai giảo

08/06/2021 - 04:55

 - Ở TX. Tân Châu (tỉnh An Giang), cây mai giảo đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao trên nền đất lúa, bởi 1 công đất (1.000 m2) sau 3 năm trồng mai giảo cho lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng, càng để lâu, cây càng lớn, giá trị kinh tế càng cao.

Khấm khá nhờ mai giảo

Chính từ tính hiệu quả của loài cây này nên những năm gần đây, nông dân các xã Phú Vĩnh, Lê Chánh, Châu Phong lần lượt chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mai giảo để bán nhiều nơi trên cả nước đồng thời xuất khẩu sang Campuchia và các quốc gia khác.

“Cây mai giảo có mặt trên vùng đất này hơn 20 năm qua. Cây mai giảo trở thành cây cho giá trị kinh tế cao kể từ khi tỉnh quy hoạch 5 nhóm sản phẩm chủ lực cho giá trị kinh tế cao, như: lúa gạo, cá tra, rau màu, nấm ăn và nấm dược liệu, hoa kiểng. Khi đời sống người dân giàu có, nhu cầu chơi cây cảnh ngày càng phát triển, cây mai giảo của vùng đất Tân Châu trở nên nổi tiếng và đời sống người trồng mai cũng khá lên” - ông Cao Tấn Ân (Tám Ân, ấp Phú An B, xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) khẳng định.

Gia đình ông Ân hiện nay trồng 15 công mai giảo. Mỗi công đất ruộng, ông trồng được 500 gốc mai. Khi mai trồng được 3-4 năm, ông bắt đầu xuất bán. Mỗi công đất trồng mai, ông xuất bán thành 3 đợt. Đợt 1, cây lớn, ông bán mão cho thương lái từ 1,8 -2 triệu đồng/cây; đợt 2 từ 1,2-1,5 triệu đồng/cây và đợt 3 từ 500.000-800.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, ông Ân thu lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng/công đất. “Chưa có loại cây nào hiệu quả kinh tế cao như cây mai, “bán ế” cũng có lời, càng để lâu cây càng lớn, giá trị kinh tế càng cao” - ông Ân chia sẻ thêm.

Ông Ân bên vườn mai của mình

Từ 1 công đất trồng mai ban đầu, đến nay gia đình ông Ân trồng được 15 công và đang làm đất để chuẩn bị xuống giống thêm 5 công. Ở xã Phú Vĩnh hiện nay, cây hoa kiểng trở thành cây trồng chủ lực. Hiện, toàn xã có trên 50ha đất trồng cây mai giảo và diện tích này được phát triển theo cấp số nhân bởi tính hiệu quả của cây trồng này.

"Khi dịch bệnh chưa xảy ra, hàng ngày thương lái từ các tỉnh Long An, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh đến đây mua mai giảo rất nhiều. Có thương lái săn tìm cây lớn, mai cổ để mua; có người mua mai vườn, họ mua mão nguyên công rồi chở về, khi về đến nơi, họ phân loại rồi bán trên mạng xã hội, bán cho các vựa hoa kiểng. Nhờ cây mai giảo ở Tân Châu mà nhiều thương lái trở nên giàu có…”  - ông Nguyễn Thành Nam (xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Trồng không đủ bán

Ngoài gia đình ông Tám Ân, ông Sáu Nam, ông Bảy Phú, ở TX. Tân Châu còn có rất nhiều nông dân sở hữu từ 5-10 công mai giảo. Mỗi trang trại trồng mai giảo, số lượng công nhân chăm sóc từ 7-10 người, giải quyết có việc làm ổn định.

“Ở trang trại trồng mai giảo, việc làm rất nhiều, người thì trộn đất với xơ dừa để ương mai giống, người thì uốn cây tạo hình, người thì lặt lá mỗi khi chuẩn bị cho mai nở để bán Tết. Nhờ phong trào chơi mai giảo Tân Châu phát triển mà người lao động nơi đây có việc làm ổn định, cuộc sống ngày một nâng lên, khỏi phải đi đâu xa để tìm kiếm công việc…” - bà Trần Thị Lệ (xã Phú Vĩnh) chia sẻ.

Mai giảo Tân Châu xuất bán cả nước, đồng thời xuất khẩu qua Campuchia với số lượng rất nhiều. Cùng với lúa, cá tra, cây mai giảo trở thành cây cho giá trị kinh tế cao. Nhìn thấy tính hiệu quả của loại cây trồng này, TX. Tân Châu đang quy hoạch và mong muốn diện tích trồng mai giảo phát triển nhiều hơn nữa để đời sống nông dân khá lên.

“Thị xã đang xem xét và quy hoạch cây mai trở thành cây chủ lực của vùng đất Phú Vĩnh, Lê Chánh, Châu Phong, đồng thời tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký thương hiệu mai giảo Tân Châu. Khi thực hiện được điều này, cây mai giảo càng có giá trị bởi nó có nguồn gốc, xuất xứ, được nhiều người biết đến, từ đó trở thành thương hiệu của địa phương” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều địa phương trong tỉnh chọn con cá tra, cây lúa, nấm dược liệu để trồng và làm giàu. Còn ở các xã Phú Vĩnh, Châu Phong, Lê Chánh, nông dân chọn cây mai giảo, bởi bà con nơi đây cho rằng, cây trồng này bán không sợ ế. Đây là nét độc đáo của cây mai giảo Tân Châu.

Mỗi độ xuân về, trên cánh đồng Phú Vĩnh, mai giảo trổ vàng đồng, mang mùa xuân ấm no về cho bà con và chính quyền nơi đây. Cây mai giảo được tôn vinh là cây giảm nghèo hiệu quả nhất ở Tân Châu.

“Mai Giảo Tân Châu có đặc điểm bông đẹp, lâu tàn, màu sắc sặc sỡ, mỗi bông từ 8-12 cánh, trong khi mai của Long An, Thủ Đức, mỗi bông từ 5-8 cánh. Mai giảo Tân Châu trong 20 năm qua đã trở thành thương hiệu nên cho giá trị kinh tế rất cao” - ông Trần Thành Phố (nghệ nhân chơi mai kiểng, xã Phú Vĩnh) chia sẻ.

 

MINH HIỂN