Hiệu quả mô hình trồng rau trong nhà lưới

02/06/2021 - 05:10

 - Sau nhiều năm canh tác lúa nếp gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn Tính (xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) mạnh dạn chuyển đổi mô hình canh tác, chuyển từ trồng lúa nếp sang trồng rau trong nhà lưới. Nhờ thay đổi mô hình sản xuất đã giúp gia đình ông cải thiện nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Giảm chi phí sản xuất

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng những tiến bộ khoa khọc - kỹ thuật vào canh tác đã và đang mang lại thành công cho nhiều nông hộ ở huyện Phú Tân. Ở xã Tân Hòa, mô hình trồng rau trong nhà lưới của gia đình ông Nguyễn Văn Tính dù mới được triển khai thời gian gần đây nhưng đã phát huy hiệu quả kinh tế so với nhiều loại cây trồng khác.

Trước đây, kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Tính chủ yếu dựa vào việc sản xuất lúa nếp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan khiến cho việc canh tác cây trồng này không còn hiệu quả, lợi nhuận không cao, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khoảng hơn 1 năm trước, sau khi nghiên cứu và đánh giá về tính hiệu quả của mô hình trồng rau trong nhà lưới, ông Tính đã cải tạo đất ruộng, xây dựng nhà lưới để phát triển mô hình trồng rau an toàn.

“Thời gian đầu, tôi trồng cải xanh và cải ngọt trên diện tích khoảng 400m2. Sau hơn 1 tháng canh tác, cây cải phát triển tốt, ít sâu bệnh... nên tôi xây dựng thêm 1 nhà màng, diện tích khoảng 800m2, canh tác chủ yếu 2 loại rau này” - ông Tính chia sẻ.

Trồng rau trong nhà lưới mở ra hướng đi mới cho sự phát triển nông nghiệp địa phương

Trồng rau theo phương pháp này, nông dân phải bỏ ra chi phí ban đầu khá lớn, chủ yếu là để đầu tư xây dựng nhà lưới. Tuy nhiên, sau một thời gian canh tác là nông dân sẽ thấy được những ưu điểm vượt trội so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Theo ông Tính, một trong những ưu điểm lớn nhất của canh tác trong nhà lưới là hạn chế sự tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên đến cây trồng, như: mưa, nắng, gió... giúp cây trồng phát triển tốt, không bị hư hỏng, từ đó sản phẩm khi cung ứng ra thị trường sẽ dễ bán hơn.

Ngoài ra, nhà lưới còn giúp cây trồng khỏe mạnh, phát triển nhanh, ít sử dụng phân bón và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, các loại côn trùng, sâu bọ rất khó “lọt” vào nhà lưới để phá hoại cây trồng, vì vậy người nông dân có thể yên tâm sản xuất.

Theo đánh giá của ông Tính, rau màu trồng trong nhà lưới cho năng suất, chất lượng cao; chi phí dành cho nhân công chăm bón và phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật giảm nhiều. “Nếu tính chi phí so với trồng rau thông thường, nhà nông chỉ tốn phần thuốc dưỡng khi rau còn nhỏ, ngoài ra không cần đầu tư khoản chi phí nào khác, tiết kiệm được 70% chi phí sản xuất cho mỗi mùa vụ” - ông Tính thông tin thêm.

Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Hiện nay, với 2 nhà lưới, diện tích khoảng 1.200m2, ông Tính canh tác chủ yếu là cải xanh và cải ngọt. Đây là những loại rau có thời gian sinh trưởng thấp, bình quân khoảng 25 ngày có thể thu hoạch, mỗi đợt thu hoạch kéo dài từ 12-20 ngày. Đặc biệt, trong quá trình canh tác, ông Tính không xuống giống đồng loạt mà tiến hành rải vụ, nhờ vậy mà mỗi ngày ông Tính đều có rau cải để bán cho người tiêu dùng.

Theo ông Tính, rau ở ngoài nhà lưới tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời nên có màu xanh thẫm hơn, còn trong nhà lưới sẽ nhạt màu hơn. Tuy nhiên, độ lớn của cây sẽ không thua kém, giúp người tiêu dùng có thể nhận dạng và phân biệt được loại rau nào trồng trong nhà lưới, loại rau nào trồng bên ngoài nhà lưới. Rau trồng trong nhà lưới do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Các loại cải xanh, cải ngọt sau khi thu hoạch bán với giá 8.000-12.000 đồng/kg nên bình quân mỗi đợt, gia đình tôi thu về lợi nhuận từ 6-7 triệu đồng. Nhờ vậy, chỉ sau 1-2 vụ, tôi có thể thu hồi được nguồn vốn xây dựng nhà lưới” - ông Tính chia sẻ.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới của gia đình ông Nguyễn Văn Tính không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân; mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp tại địa phương. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, ông Tính đang chuẩn bị mở rộng mô hình thêm 1 nhà lưới để cung cấp thêm nhiều nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa Lê Tấn Tài cho biết, mô hình trồng rau trong nhà lưới là mô hình hiệu quả thuộc tổ hợp tác trồng rau màu ở xã Tân Hòa. Đây là một trong 5 mô hình tiêu biểu được chọn giới thiệu trong Đại hội nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi xã Tân Hòa năm 2021.


ĐỨC TOÀN