Hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất bền vững ở An Giang

22/04/2024 - 05:50

 - Thực hiện mục tiêu đến năm 2030, tăng gấp 1,5 lần năng suất và thu nhập của lao động nông nghiệp, thời gian qua, An Giang tăng cường thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững đạt nhiều kết quả. Đồng thời, áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu, giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác

Thúc đẩy tái cơ cấu

Theo UBND tỉnh, sau gần 1 năm triển khai Đề án cơ cấu lại nông nghiệp, An Giang đạt một số kết quả khích lệ, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm và thủy sản đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản. Nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn. Khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Một số địa phương chuyển sang trồng nếp và các giống lúa chất lượng cao, như: Đài Thơm, lúa Nhật, DS1, Nàng Hoa, Jasmines... thay lúa thường. Công tác kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại kết hợp điều hành, tổ chức sản xuất nông nghiệp linh hoạt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng, trình độ người lao động được nâng lên. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Từ đó, người dân có điều kiện sẵn sàng đóng góp sức người, sức của, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, UBND tỉnh ban hành, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp, như: Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực. Hiện, toàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX, 216 HTX nông nghiệp với 12.970 thành viên, 974 người tham gia quản lý điều hành HTX.

Bên cạnh đó, tỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước. Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, An Giang giữ vai trò quan trọng về trung tâm lúa gạo, thủy sản, trái cây, có lợi thế lớn về kinh tế biên giới, là cửa ngõ giao thương giữa vùng ĐBSCL với các nước trong khối ASEAN. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nông nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; đồng thời quy hoạch đã đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.

Theo Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, tỉnh quan tâm xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp chính quyền các cấp định hướng, xác lập các vùng sản xuất trọng điểm ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Lúa gạo, cây ăn quả, chăn nuôi heo, bò, thủy sản, rau màu, dược liệu...

Sản xuất nông nghiệp bền vững

Tỉnh còn thực hiện nhiều giải pháp hướng đến năm 2030, bảo đảm sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu, giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, tiếp tục tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn. Đặc biệt, ứng dụng khoa học - công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhiều giải pháp chuyển đổi số, khoa học - công nghệ trong nông nghiệp được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, như: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án phát triển sản xuất, thủy lợi gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đang đầu tư thủy lợi phục vụ hạ tầng phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp; hỗ trợ đầu tư hệ thống thủy lợi nhỏ và thủy lợi nội đồng, hệ thống thủy lợi vùng Bảy Núi; đầu tư các hồ chứa và nạo vét kênh mương; hiện đại hóa hệ thống thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ mới trong tưới tiết kiệm nước, khai thác và vận hành công trình thủy lợi…

Cùng với đó, phối hợp Mobifone An Giang, VNPT An Giang, Liên minh HTX tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh An Giang... đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ mua/bán hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Hỗ trợ đưa các sản phẩm của tỉnh lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Toàn tỉnh hiện có trên 1,7 triệu người có tài khoản giao dịch qua ngân hàng; có 143.622 ví điện tử được phát triển; gần 4.000 sản phẩm đưa lên các sàn thương mại điện tử.

HẠNH CHÂU