Mô hình nuôi cá rô đồng an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao
Những mô hình hiệu quả
Được sự hỗ trợ của Trạm KN huyện Thoại Sơn, tháng 4-2017, ông Nguyễn Văn Thưởng (ngụ ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Phú Đông) thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn trên nền đệm lót lên men. Với diện tích 10m2, ông thả 100 con gà, sử dụng con giống BT2 từ Trung tâm Giống gia cầm Vigova. Sau hơn 3 tháng nuôi, gà bắt đầu xuất chuồng. Trọng lượng mỗi con bình quân đạt 1,6kg, tỷ lệ sống đạt 96%. Với giá bán gà thịt 80.000 đồng/kg, gia đình ông Thưởng thu lợi nhuận trên 2,5 triệu đồng.
Theo ông Thưởng, mô hình nuôi gà trên đệm lót lên men dễ áp dụng, kinh phí đầu tư không lớn. Gà tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, giảm công lao động nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Bên cạnh đó, mô hình rất thân thiện với môi trường, hạn chế mùi hôi so với việc chăn nuôi truyền thống.
Ở xã Phú Thuận, với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2018 của Trạm KN, gia đình bà Võ Thị Vân (ngụ ấp Kênh Đào) xây dựng mô hình nuôi cá rô đồng theo hướng an toàn sinh học.
Bà Vân cho biết, trên diện tích 800m2 mặt ao, bà thả 90kg cá giống. Sau 2,5 tháng nuôi, cá cho thu hoạch, năng suất đạt trên 1,3 tấn, bán cho thương lái với giá 38.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà Vân thu lợi nhuận khoảng 11 triệu đồng.
Theo bà Vân, điểm nổi bật của mô hình là việc ứng dụng men vi sinh để xử lý nguồn nước. Men vi sinh được sử dụng định kỳ 15 ngày, có tác dụng bổ sung nguồn vi sinh có lợi trong nước nuôi, từ đó giúp nước ao duy trì chất lượng ổn định, hạn chế nồng độ khí độc.
“Khi tham gia mô hình, tôi được cán bộ KN hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc cá rô, được hỗ trợ chi phí đầu vào như: con giống, thức ăn, các loại thuốc phòng, trị bệnh trên cá... Nhờ vậy, đàn cá thu hoạch sớm nửa tháng so với ban đầu, chi phí SX giảm, lợi nhuận được nâng cao” - bà Vân cho biết.
Khuyến khích nhân rộng
Để các mô hình sự nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với việc xây dựng phương án, kế hoạch cho từng mùa, vụ, Trạm KN huyện Thoại Sơn phối hợp các địa phương khảo sát các điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác của bà con ND.
Trên cơ sở đó, tiến hành triển khai thực hiện, nhân rộng các mô hình. Đặc biệt trong quá trình thực hiện, cán bộ KN hỗ trợ, giúp đỡ ND về kiến thức SX, sử dụng vật tư, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SX.
Theo bà Lũ Thị Kim Dung, Phó Trưởng trạm KN huyện Thoại Sơn, đơn vị đã tiến hành lựa chọn xây dựng các mô hình trồng trọt thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả SX và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển giống gia cầm có phẩm chất tốt, xây dựng mô hình thủy sản an toàn gắn với xử lý môi trường.
Tiêu biểu là các mô hình: trồng nấm rơm bằng nguyên liệu Compost (xã An Bình, thị trấn Núi Sập và thị trấn Óc Eo); mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cải thiện năng suất lúa của hộ ông Lê Hoàng Giang (thị trấn Phú Hòa), mô hình trình diễn giống vịt siêu nạc kết hợp ứng dụng chế phẩm Probiotic...
“Đối với cây lúa, trạm cung cấp giống mới, hỗ trợ bà con ND sử dụng giống xác nhận, hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến như: “1 phải, 5 giảm”; “3 giảm, 3 tăng”; giảm lượng giống gieo sạ... Đối với các loại vật nuôi, trạm hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học, hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc, phòng ngừa, điều trị dịch bệnh... giúp giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, mỗi mô hình được triển khai đều có cán bộ trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn. Đồng thời, ND còn được hỗ trợ 100% về giống, 30% vật tư SX khi thực hiện mô hình” - bà Dung cho biết.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình sự nghiệp của Trạm KN huyện Thoại Sơn thời gian qua đã tạo điều kiện cho ND tiếp cận những phương thức mới trong trồng trọt và chăn nuôi. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, trung tâm tiếp tục chú trọng triển khai các mô hình áp dụng giống mới, giống có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, phối hợp cùng các địa phương quản lý, nhân rộng các mô hình SX hiệu quả trên địa bàn.
Bài ảnh: ĐỨC TOÀN