Hiệu quả từ mô hình nuôi ba ba

16/08/2024 - 08:23

 - Nghề nuôi ba ba ở xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được hình thành cách đây khoảng 20 năm, thu hút nhiều nông dân tham gia. Tuy nhiên, dần dần nghề nuôi giảm hiệu quả và lợi nhuận, nên nông dân chuyển sang mô hình sản xuất khác. Hiện nay, tại ấp Rò Leng, chỉ còn hộ chị Huỳnh Thị Tuyết Hồng gắn bó với ba ba.

Kỹ thuật nuôi đơn giản

Hơn 20 năm trong nghề, chị Huỳnh Thị Tuyết Hồng cho biết, ba ba là loài động vật dễ nuôi, ít bị bệnh, có thể tận dụng được lao động nông nhàn. Tuy nhiên, thành công như hiện nay là cả một quá trình chị tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Đồng thời, phải mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật mới cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, thấy người dân lân cận nuôi ba ba, gia đình chị Hồng cũng nuôi theo. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ba ba chết đáng kể, ảnh hưởng đến thu nhập. Sau những lần thất bại, gia đình chị Hồng bắt đầu tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm từ người đi trước, giúp việc chăn nuôi dần trở nên khả quan.

Cùng với đó, được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng ủy, UBND xã Châu Lăng và các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân xã, chị Hồng có điều kiện tham quan nhiều mô hình điểm về thủy sản, tập huấn, hội thảo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất. Nhờ vậy, việc sản xuất chăn nuôi ba ba ngày càng ổn định và phát triển.

Mô hình nuôi ba ba đã giúp gia đình chị Hồng tăng thêm thu nhập

Để nuôi ba ba đạt hiệu quả cao, chị Hồng cho biết, khâu xây dựng chuồng trại là một trong những yếu tố quan trọng. Bể nuôi phải đảm bảo kiên cố, vách tường cao, vững chắc để hạn chế ba ba di chuyển ra ngoài. Mực nước trong bể phải luôn được duy trì khoảng 30cm, phía dưới đáy bể phủ 1 lớp đất bùn hay cát để tránh trầy xước phần bụng ba ba. Trong bể, cần đặt tàu dừa, vỉ bằng cây để ba ba có chỗ phơi nắng; hạn chế thay nước thường xuyên để tạo sự ổn định cho môi trường sinh sống của chúng.

Một trong những ưu điểm của mô hình nuôi ba ba là nguồn thức ăn khá dễ tìm, có thể sử dụng ốc, cá tạp băm nhuyễn nên không mất nhiều kinh phí, công chăm sóc. Tuy nhiên, khẩu phần ăn cho ba ba cần vừa phải, không nên cho ăn quá nhiều để tránh thức ăn dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước, dễ phát sinh bệnh. “Nuôi ba ba rất ít khi bị dịch bệnh, thường chỉ là bệnh nấm da, rất dễ chữa trị. Tuy nhiên, cần phải thường xuyên theo dõi tình trạng thức ăn, môi trường cũng như tình trạng sức khỏe chúng để có sự điều chỉnh hợp lý” - chị Hồng thông tin thêm.

Đầu ra ổn định

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực nuôi ba ba, chị Hồng nhấn mạnh: “Ba ba là loại động vật dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nuôi; đầu ra đảm bảo, đặc biệt là lợi nhuận mang lại khá cao. Hiện nay, nhu cầu về con giống ba ba khá lớn, trong khi nguồn cung con giống chỉ đủ đáp ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, thịt ba ba là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, được thực khách ưa chuộng. Do đó, người nuôi ba ba có thể đảm bảo được nguồn thu nhập”.

Theo lời chị Hồng, ba ba vừa có thể bán thương phẩm hoặc bán con giống. Ba ba nuôi khoảng 15 - 16 tháng là có thể sinh sản. Để đảm bảo chất lượng con giống, chị Hồng lựa chọn con bố mẹ không cùng huyết thống để tránh giao phối cận huyết, gây ảnh hưởng đến chất lượng con giống sau này. Ba ba đẻ quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm từ tháng 4 - 5 âm lịch, khi mùa mưa bắt đầu là ba ba đẻ nhiều nhất, tháng 10 - 11 ngơi dần. Để đạt tỷ lệ cao, nên chọn bố mẹ đồng đều, khỏe mạnh, không bị trầy xước hay dị tật.

Ba ba thường đẻ trứng vào ban đêm, dùng chân bới cát tạo thành hố sâu để làm ổ đẻ. Mỗi lần đẻ từ 7 - 20 trứng. Trứng phải được di chuyển đến nơi khác, lấp cát phủ kín để ấp. Cứ khoảng 3 ngày, chị Hồng thu hoạch 1 đợt, số lượng khoảng 100 trứng. Trứng được ấp 2 tháng sẽ nở. Ba ba mới nở được để ở bên ngoài, sau 3 ngày tiến hành đưa trở lại bể nuôi.

Hiện nay, giá ba ba được gia đình chị Hồng bán ra thị trường khá ổn định, trọng lượng 0,7 - 1kg có giá khoảng 300.000 đồng/kg. Cùng với đó, chị Hồng còn bán ba ba con để tăng thêm thu nhập. Tổng thu nhập từ việc chăn nuôi ba ba đã giúp gia đình chị thu về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm. Ba ba được thương lái trong và ngoài tỉnh mua đều đặn.

Đây là mô hình hiệu quả, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại địa phương, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân, đặc biệt đối với gia đình có ít đất canh tác.

Ba ba là động vật hoang dã sống ở sông ngòi tự nhiên, gồm 4 loài: Ba ba hoa, ba ba gai, cua đinh và lẹp suối. Thịt ba ba là một loại thực phẩm quý, có nhiều chất dinh dưỡng; thường được sử dụng trong nhà hàng, chế biến thành các món đặc sản.

MINH ĐỨC