Hỗ trợ người lao động trong thời gian giãn cách xã hội

19/08/2021 - 06:37

MỸ HẠNH

 - Sau hơn 2 tuần thực hiện, tỉnh An Giang tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở 9/11 huyện, thành phố. Nhiều tính toán và dự định của doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) cũng biến chuyển ngoài dự kiến. Hơn lúc nào hết, công đoàn không chỉ san sẻ khó khăn cùng họ trong giai đoạn này, mà còn động viên, lắng nghe, tìm cách tháo gỡ để NLĐ vững tinh thần, cố gắng trụ lại với công việc.

Tính đến ngày 17-8, có 25 DN thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” với 4.033 công nhân, NLĐ. Trong đó, 8 đơn vị có công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, 17 đơn vị có công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố và công đoàn các khu công nghiệp tỉnh.

Các DN đều cắt giảm số lượng công nhân lao động, giảm quy mô sản xuất để phù hợp tổ chức “3 tại chỗ”, nhiều đợt được LĐLĐ tỉnh và huyện tiếp sức thực phẩm, chi phí phục vụ bữa ăn ca, vật tư y tế, như: nước rửa tay, khẩu trang… Dù vậy, sau thời gian thực hiện, mô hình được nhận định chỉ phù hợp với tình hình sản xuất trong thời gian ngắn 1-2 tuần. Đến nay đã xảy ra nhiều bất cập, khó khăn, vì DN phải chịu chi phí phát sinh lớn, không nằm trong chi phí dự toán từ đầu năm.

Mặt khác, các DN không có nhiều diện tích để thực hiện mô hình “3 tại chỗ” do khó khăn về việc bảo đảm môi trường ăn, ngủ, sinh hoạt, làm việc, thiếu nhà vệ sinh phục vụ số lượng lớn NLĐ lưu trú.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của DN không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng, chống dịch, khó khăn trong việc dự phòng thuốc trị bệnh thông thường cho NLĐ, không có cán bộ y tế… Phía NLĐ cũng phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm, như: bất tiện trong sinh hoạt cá nhân tại DN; do làm việc lâu ngày xảy ra tâm lý không ổn định, mệt mỏi, chán nản, không muốn ở lại công ty để tiếp tục làm việc.

Liên đoàn Lao động TP. Long Xuyên hỗ trợ gạo, thực phẩm cho các tổ tự quản nhà trọ trên địa bàn

Ghi nhận thực tế trên, LĐLĐ tỉnh đã kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho công nhân, NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ” được chăm lo tốt hơn, nhất là hỗ trợ bữa ăn ca để nâng chất lượng dinh dưỡng, sức đề kháng cho NLĐ. Công đoàn kiến nghị cần ưu tiên vaccine tiêm ngừa cho các công nhân lao động đang làm việc trong DN “3 tại chỗ”, cần thiết xem xét thay đổi cách thực hiện "3 tại chỗ" linh hoạt hơn theo hướng phù hợp với thực tế và điều kiện cụ thể của từng DN, ngành nghề, theo tình hình dịch bệnh của từng địa phương.

Ngoài san sẻ, tháo gỡ khó khăn cho DN và NLĐ đang áp dụng sản xuất “3 tại chỗ”, công đoàn các cấp còn quan tâm giúp đỡ những công nhân ở trọ trong giai đoạn này, bởi phần lớn họ đang nghỉ việc, không có hoặc giảm thu nhập khi công ty không thể duy trì sản xuất.

Toàn tỉnh có 19 tổ tự quản nhà trọ công nhân được công đoàn thành lập tại TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành và huyện Châu Phú với tổng số 921 công nhân. Công đoàn vừa đến tiếp sức, vừa vận động chủ nhà trọ chia sẻ khó khăn với công nhân bằng nhiều biện pháp. Đã có 17 nhà trọ thực hiện giảm tiền thuê, hỗ trợ chi phí điện, nước cho 832 công nhân lao động.

Điển hình, LĐLĐ TP. Long Xuyên vận động hỗ trợ 1 tấn gạo, 1 tấn dưa leo, 1.800 trứng vịt gửi cho các tổ tự quản nhà trọ. Có 9/10 nhà trọ trên địa bàn giảm tiền thuê cho công nhân từ 100.000 đồng đến 30% tiền thuê tháng, hỗ trợ tiền nước. Riêng nhà trọ Mỹ Duyên 1 và Mỹ Duyên 2 hỗ trợ mỗi phòng trọ công nhân 10kg gạo.

Tại huyện Châu Phú có 2 nhà trọ miễn thu tiền tháng 7 của NLĐ, còn lại cho trả chậm hoặc giảm một phần; các nhà trọ hỗ trợ thêm gạo, cơm “0 đồng” cho NLĐ. Còn tại huyện Châu Thành, LĐLĐ huyện tổ chức thăm hỏi, tặng 187 phần quà cho các tổ tự quản. Toàn bộ 5/5 nhà trọ thực hiện hỗ trợ trên 50% số tiền thuê phòng, giảm phí nước sinh hoạt và tặng thêm gạo, nhu yếu phẩm cho công nhân.

Hiện, có 70 DN tạm dừng hoạt động (tổng số 28.016 NLĐ, trong đó có 6.038 NLĐ không hưởng lương); 9 DN dừng sản xuất 1 bộ phận (7.827 người); 14 DN thu hẹp sản xuất, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (3.487 người tạm hoãn hợp đồng lao động không hưởng lương); 484 người chấm dứt hợp đồng lao động (chủ yếu ngành giao thông- vận tải) và 375 người đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các trường hợp tạm dừng lao động, số đông DN đều hỗ trợ NLĐ mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu nghỉ do dịch bệnh, thời gian còn lại do DN và NLĐ thỏa thuận.

 

MỸ HẠNH