Hỗ trợ nông dân An Cư vươn lên thoát nghèo

06/09/2023 - 05:58

 - Với đặc thù địa phương có đông đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS) Khmer sinh sống, Hội Nông dân xã An Cư (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) luôn tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất, tham gia mô hình kinh tế hợp tác nhằm vươn lên cải thiện cuộc sống.

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư Chau Sắp Tha thông tin: “Xuất phát từ điều kiện đặc thù thổ nhưỡng địa phương, chúng tôi đã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống. Trong 6 tháng đầu năm, toàn xã đã gieo trồng 2.098ha, đạt tỷ lệ 55,23% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, đã xuống giống được 1.850ha lúa, chủ yếu là các giống: OM5451, OM18 và IR50404. Đặc biệt, đã xuống giống rau màu được 248,75ha, đạt 124,37% kế hoạch năm. Trong đó, khoai mì 38,65ha; đậu phộng, rau, dưa các loại 126,1ha”.

Nông dân An Cư chuẩn bị cho mùa vụ mới

Theo ông Chau Sắp Tha, nhờ vào hệ thống thủy lợi vùng cao của Trạm bơm 3/2, nông dân An Cư có thể canh tác quanh năm, mặt đất phủ xanh ngay cả trong những tháng mùa khô. Từ đó, đời sống của nông dân Khmer cải thiện hơn, nhiều hộ không phải lo cái ăn, cái mặc dù cuộc sống lệ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.

Những ngày này, anh Chau Sang (nông dân ấp Chơn Cô, xã An Cư) tranh thủ xịt cỏ, phát bờ, thuê người làm đất để chuẩn bị cho mùa lúa mới. “Vụ rồi, lúa có giá nên nhà tui đỡ lắm. Còn đang mùa mưa, mình tranh thủ kiếm thêm vụ lúa nữa. Mùa khô, nhờ nước thủy lợi thì trồng đậu phộng, cũng kiếm 5 - 7 triệu đồng/vụ, nên mình không lo thiếu thốn. Bây giờ, đồng bào DTTS Khmer ở An Cư kiếm cách trồng trọt quanh năm, ít chịu ngồi không chờ “nước trời” như hồi trước” - anh Chau Sang thiệt tình.

Theo cái chỉ tay của anh Chau Sang, mấy ô ruộng vừa nhú màu xanh của lá đậu phộng đã hiện ra trước mắt. Hơn 20 năm nay, cây đậu phộng là “cây giảm nghèo” của đồng bào DTTS Khmer và mang đến nguồn thu khá hơn, khi nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật và sử dụng giống đậu mới có năng suất cao hơn. Hiện nay, năng suất đậu phộng ở An Cư đạt khoảng 5,3 tấn/ha, với mức giá bình quân 17.000 - 20.000đồng/kg, mang đến nguồn thu khá cho nông dân.

Đậu phộng được xem là “cây thoát nghèo” của nông dân An Cư

“Ngoài việc chuyển đổi cây trồng, nông dân ở An Cư cũng tiếp cận với mô hình kinh tế hợp tác. Chúng tôi đang củng cố chi hội nghề nghiệp sản xuất đường thốt nốt và chi hội nghề nghiệp phun xịt, cấy dặm, cùng 6 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò, nhằm huy động hội viên, nông dân tham gia sản xuất sản phẩm có chất lượng, mang hiệu quả kinh tế cao hơn so với những mô hình nhỏ lẻ trước đây” - ông Chau Sắp Tha cho hay.

Tín hiệu lạc quan là nông dân An Cư hiện nay rất quan tâm đến việc học nghề, nhất là những nghề liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân xã đã phối hợp UBND xã An Cư, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã, Trạm Khuyến nông TX. Tịnh Biên tổ chức 6 lớp dạy nghề sửa chữa máy phun xịt và kỹ thuật sản xuất lúa.

Ngoài ra, kết hợp các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tổ chức hội thảo hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa và hoa màu. Đa số học viên đều nắm chắc kỹ thuật, kiến thức học tập để áp dụng vào thực tiễn sản xuất của bản thân, góp phần giảm chi phí và nâng cao thu nhập.

Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, Hội Nông dân xã An Cư còn phát huy nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, khi đề xuất Hội Nông dân TX. Tịnh Biên hỗ trợ hội viên có nhu cầu phát triển sản xuất. Ngoài ra, còn nhận ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Tịnh Biên, quản lý 9 tổ vay vốn với 482 thành viên, tổng số dư nợ hơn 13,8 tỷ đồng. Qua đó, góp phần vào mục tiêu hỗ trợ nông dân An Cư vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Hội Nông dân xã An Cư vẫn đối mặt với những khó khăn nhất định, khi điều kiện thời thiết bất lợi, giá cá nông sản bấp bênh, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Công tác phát triển hội viên mới còn khó khăn, vì nông dân trong độ tuổi thường đi làm ăn xa. Việc triển khai các nhiệm vụ, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước của một số chi, tổ hội còn hạn chế do trình độ hội viên, nông dân không đồng đều…

Những tháng cuối năm 2023, Hội Nông dân xã An Cư sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức hội viên, nông dân trong phát triển sản xuất; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ sản xuất - kinh doanh cho hội viên, nông dân. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, phát triển tốt nguồn vốn. Tăng cường phối hợp với UBND xã vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho nông dân tại địa phương...

“Chúng tôi tích cực vận động hội viên, nông dân ở xã An Cư tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp. Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, UBND xã có chủ trương, biện pháp phát triển mô hình kinh tế mới tại địa phương. Cùng với đó, sẽ vận động bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương, tạo động lực để mỗi hội viên, nông dân cùng phấn đấu vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương” - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư Chau Sắp Tha khẳng định.

THANH TIẾN