Nông dân huyện Phú Tân được hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh
Nhận thức được ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với đời sống của hội viên, nông dân, Hội Nông dân huyện Phú Tân có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển SXKD, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nổi bật là việc đẩy mạnh tuyên truyền, động viên cán bộ, hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho biết, một trong những hoạt động nổi bật của các cấp hội nông dân trong huyện là việc tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, có 14.735 hội viên, nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Đồng thời, xét chọn 200 danh nhân nông thôn; 25 - 30 mô hình tiêu biểu; 15 - 20 sản phẩm lợi thế...
Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất, Hội Nông dân huyện Phú Tân tăng cường hỗ trợ vay vốn từ các nguồn khác nhau. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, vận động Quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 3,2 tỷ đồng; vốn Trung ương Hội Nông dân, Tỉnh hội ủy thác gần 3 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ cho 6 dự án, với 334 hộ tham gia. Hội Nông dân huyện Phú Tân còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho vay với tổng dư nợ trên 100 tỷ đồng; hỗ trợ cho gần 4.000 lượt hộ vay.
Đồng thời, tạo điều kiện cho 55 hộ nông dân tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (chi nhánh Phú Tân) theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, với số tiền trên 8,2 tỷ đồng. Từ đồng vốn hỗ trợ kịp thời đã giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện.
Huyện hội cùng các cơ sở hội còn phối hợp, tổ chức 97 lớp dạy nghề cho 2.222 học viên. Vận động, giới thiệu 103 con em hội viên nông dân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, hội nông dân các cấp còn chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng; quy trình sản xuất rau màu an toàn, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Trình diễn các mô hình công nghệ sinh thái, ruộng không dấu chân, sản xuất SRP… góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân trong huyện.
Các cấp Hội Nông dân huyện Phú Tân còn phối hợp, vận động hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời, vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 20 hợp tác xã (HTX), với 2.677 thành viên; 135 tổ hợp tác, với 1.377 thành viên; 70 câu lạc bộ (CLB) nông dân, với 1.765 thành viên.
Ngoài ra, huyện còn thành lập 13 chi hội nông dân nghề nghiệp, 130 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với sự tham gia 1.312 thành viên. “Các HTX, tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đều hoạt động tốt, đảm bảo hiệu quả về kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân” - ông Lê Văn Ẩn đánh giá.
Đi vào hoạt động từ năm 2020, CLB nông dân giỏi bưởi da xanh Phú Thạnh thu hút gần 50 thành viên tham gia, diện tích hơn 20ha. Ông Nguyễn Tự Điển, Chủ nhiệm CLB nông dân giỏi bưởi da xanh Phú Thạnh cho biết, hội viên được trang bị các kiến thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; chính sách về vốn ưu đãi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thông tin thị trường…
Bên cạnh đó, các thành viên còn được Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả ở các địa phương. Nhờ đó, việc canh tác của hội viên ngày càng thuận lợi, năng suất, chất lượng sản phẩm nâng cao. Đặc biệt, bưởi được nhiều công ty liên kết thu mua với giá cao hơn giá thị trường, các thành viên vô cùng phấn khởi.
Thông qua các biện pháp hỗ trợ đã giúp hội viên, nông dân tiếp cận với các loại cây, con mới; mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất và đạt được kết quả cao. Khi có cuộc sống ổn định, hội viên, nông dân tích cực đóng góp vào việc xây dựng NTM địa phương.
Ông Lê Văn Ẩn cho biết, nhiệm kỳ qua, hội vận động hội viên, nông dân tham gia 111 công trình, phần việc, với tổng kinh phí gần 7,4 tỷ đồng (nông dân đóng góp trên 4,8 tỷ đồng) và gần 20.000 ngày công lao động. Cụ thể, như: Xây dựng, sửa chữa cầu, nâng cấp đường giao thông nông thôn, thắp sáng lộ nông thôn… góp phần xây dựng nông thôn thêm khởi sắc.
Để nông dân có điều kiện phát triển kinh tế thông qua việc SXKD, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Phú Tân tiếp tục đẩy mạnh vận động nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, đô thị văn minh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Mặt khác, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn…
ĐỨC TOÀN