Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

05/08/2021 - 14:46

Thời gian hỗ trợ lãi suất kể từ thời điểm đề nghị hỗ trợ tối đa là 9 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 7 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư.

Canh tác rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. (Ảnh: Vietnam+)

Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp là một trong nội dung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang được Bộ rà soát, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện.

Các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại, từ đó, thực hiện dự án bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước, tính trên số vốn vay dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hỗ trợ.

Thời gian hỗ trợ lãi suất kể từ thời điểm đề nghị hỗ trợ tối đa là 9 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 7 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Hạn mức hỗ trợ lãi suất không quá 70% tổng vốn vay của dự án.

Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện danh mục công nghệ cao khuyến khích chuyển giao theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, được nhà nước hỗ trợ kinh phí hỗ trợ không quá 40% kinh phí thực hiện và tối đa 1,5 tỷ đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ/kết quả nghiên cứu khoa học.

Về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 1,5 tỷ đồng/dự án; doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề hoặc thuê đào tạo nghề không quá 40% chi phí đào tạo cho một lao động, mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/lao động.

Cùng với đó, hỗ trợ không quá 40% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu nông sản và tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước.

Theo dự thảo nghị định, về hỗ trợ dự án đầu tư chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp có dự án đầu tư chăn nuôi gia súc bao gồm: trâu, bò, lợn, dê, cừu... để làm giống, lấy sữa hoặc lấy thịt được hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án, tối đa 10 tỷ đồng/dự án.

Doanh nghiệp có dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án, tối đa 15 tỷ đồng/dự án.

Về hỗ trợ dự án đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và khai thác hải sản, doanh nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án, tối đa 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng đối với cơ sở chế biến, bảo quản nông sản.

Mức hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án, tối đa 8 tỷ đồng/dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Đối với doanh nghiệp có tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng/tấn tải trọng nhưng không quá 40% tổng mức đầu tư, tối đa 15 tỷ đồng/tàu.

Theo dự thảo nghị định, nguyên tắc thực hiện một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu của nhà nước và quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là nhà nước ưu đãi đầu tư thông qua miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư, cấp bù chênh lệch lãi suất vốn vay và đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở các chính sách khác có cùng nội dung ưu đãi, hỗ trợ tại nghị định này thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng một mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất./.

Theo THÚY HIỀN (Vietnam+)