Hòa Bình đón mừng xã nông thôn mới

04/04/2023 - 07:10

 - Hôm nay (ngày 4/4), cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới) vui mừng tổ chức lễ đón nhận quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là kết quả 12 năm nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Hòa Bình chung sức, xây dựng bộ mặt NTM ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng nâng cao.

Hòa Bình huy động nguồn lực, sức dân đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn

Nhiều kết quả toàn diện

Đến nay, diện mạo nông thôn xã Hòa Bình khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 63,135 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại; đường làng, ngõ xóm được bê-tông kiên cố, sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên. Hệ thống kênh, mương được “cứng” hóa, phục vụ nước sản xuất. Cơ sở hạ tầng về điện, trường, trạm y tế được quan tâm đầu tư khang trang; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị vững mạnh.

Cơ sở vật chất giao thông được đầu tư đúng chuẩn, tỷ lệ km đường giao thông được nhựa hóa, bê-tông 22km (đạt 100%), giúp người dân thuận lợi đi lại và lưu thông hàng hóa. Toàn xã có 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia; trụ sở UBND xã, Ban Chỉ huy Quân sự xã và các văn phòng ấp được đầu tư mới khang trang. Cùng với 25 điểm sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, 9 điểm vui chơi giải trí, tạo nên phong trào rộng khắp, làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Đặng Thanh Bình cho biết: Xã xác định khâu đột phá để tập trung lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đến nay, nông nghiệp xã Hòa Bình phát triển theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường. Xã có 23,6ha nuôi trồng thủy sản; 153,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển dịch sang màu và vườn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năng suất, chất lượng, giá trị này được nâng lên; kinh tế tập thể và liên kết sản xuất được chú trọng phát triển. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, nhờ có hệ thống đê bao kiểm soát lũ, giao thông thủy lợi nội đồng cải tạo hợp lý. Giá trị sản xuất bình quân: Cây lúa đạt 123,49 triệu đồng/ha, cây màu đạt 464,21 triệu đồng/ha, thủy sản nuôi (trừ cá bè) đạt 4,9 tỷ đồng/ha, cây lâu năm 193,44 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Xã Hòa Bình có làng nghề chằm nón lá, thị trường tiêu thụ khắp vùng ĐBSCL; thương mại - dịch vụ phát triển khá. Công tác giảm nghèo phát huy mạnh mẽ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%. Làm tốt công tác giải quyết việc làm; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày một nâng lên.

Nhiều mô hình hiệu quả

Ông Đặng Thanh Bình chia sẻ, Hòa Bình là xã giàu truyền thống cách mạng, nhân dân ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp thông qua các phong trào thi đua yêu nước. Nhân dân tham gia trồng cây xanh, trồng hoa, xây dựng bồn hoa trước nhà và chăm sóc, hiến đất để làm đường, nhiệt tình hưởng ứng các tiêu chí không cần vốn... từ đó đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng NTM.

Để tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ngay từ cơ sở, từ năm 2018, Đảng ủy, UBND xã Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết xây dựng mô hình “Camera giám sát gắn với đảm bảo ANTT”. Nhờ đó, các vụ việc liên quan đến ANTT và những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được phát hiện và giải quyết dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng” và mâu thuẫn kéo dài, góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm, giữ vững ổn định về ANTT.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng NTM được phát huy, nhân rộng, như: Đoạn đường thanh niên sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn ấp An Thuận; chương trình “5 không, 3 sạch” của hội liên hiệp phụ nữ với mô hình “tổ phụ nữ phân loại chất thải rắn tại nguồn; hội cựu chiến binh với mô hình Câu lạc bộ cựu chiến binh bảo vệ môi trường; hội nông dân với mô hình thu gom, xử lý vỏ chai, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Công tác an sinh xã hội, xã hội - từ thiện luôn được quan tâm. Đã sửa chữa và cất mới hơn 200 căn nhà; mua 5 xe chuyển bệnh miễn phí; vận động xây 23 cây cầu bê-tông; đắp ta-luy, sửa chữa tuyến đường liên xã, đường nội đồng… 110km; cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp 10.134 ngày công lao động làm đường, xây cầu.

Kết quả phong trào xây dựng NTM xã Hòa Bình đã thực sự trở thành phong trào ý nghĩa, lan tỏa sâu rộng và được người dân đồng tình hưởng ứng. Thể hiện qua xã đã huy động nguồn lực xây dựng NTM hơn 283,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân và doanh nghiệp đóng góp hơn 53 tỷ đồng.

Hòa Bình có lợi thế về vị trí địa lý với tuyến giao thông Tỉnh lộ 946, 944, liên kết với tỉnh Đồng Tháp, TP. Long Xuyên và các đường giao thông giúp gia tăng liên kết với các xã lân cận. Cặp tuyến sông Hậu xã có cồn An Thạnh, tiếp giáp TP. Long Xuyên dài 3km, có lợi thế phát triển cụm công nghiệp 75ha. Lợi thế quan trọng này giúp Hòa Bình có thể phát triển tốt cả thương mại - dịch vụ, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp.

HẠNH CHÂU