Thời điểm này, các trường THPT đang nô nức tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh lớp 12. Dù ngày lễ diễn ra không giống nhau nhưng có chung ý nghĩa, đó là sự tri ân công đức sinh thành dưỡng dục của bậc cha mẹ, công ơn dạy bảo của thầy cô và đánh dấu cột mốc trưởng thành của học sinh. Nhìn cách mà các bạn học sinh thể hiện tình cảm hôm nay, tôi có phần ghen tỵ, ước gì thời mình cấp sách cũng có ngày lễ này để tri ân. Thời áo trắng hồn nhiên và mơ mộng sẽ đẹp hơn khi được ghi dấu bằng ngày lễ quan trọng này. Nó không chỉ nhắc nhở chúng ta đã trưởng thành, phải là người công dân có trách nhiệm với những việc mình làm và là dịp để “thay lời muốn nói” đến thầy cô, cha mẹ. Đôi khi trong cuộc sống tất bật, việc thể hiện tình cảm yêu thương dành cho nhau là việc khá xa xỉ. Nhưng ở lễ tri ân và trưởng thành thì không, bao cung bậc cảm xúc cứ lấn át, xen lẫn khiến giọt nước mắt cứ thế rơi dài. Đó là tiếng cảm ơn chân thành, lời xin lỗi ngọt ngào hay sự tự tin khẳng định tương lai của những người con. Đó còn là lòng biết ơn, sự bịn rịn vì không nỡ rời xa thầy cô, mái trường gắn bó bao năm tháng học trò, dẫu không ít lần bị nhắc nhở vì không thuộc bài hay điểm kém. Chẳng cần đâu xa, bản thân mỗi học sinh đã là những bó hoa tươi thắm nhất, đẹp lòng mẹ cha, thầy cô nhất!
Với cha mẹ và thầy cô, không món quà nào quý hơn sự trưởng thành, nên người của con
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu) Nguyễn Thị Ánh Hồng chia sẻ: “Trường sẽ tổ chức lễ tri ân và trưởng thành vào ngày 12-5. Buổi lễ rất ý nghĩa không chỉ với phụ huynh, giáo viên mà còn ở học sinh. Đây là cơ hội để các em thể hiện tình cảm yêu thương dành cho đấng sinh thành. Bao năm qua, ý nghĩa ngày lễ tri ân và trưởng thành vẫn vẹn nguyên trong tôi, bùi ngùi xúc động đến không kiềm lòng được. Cầm trên tay cánh thiệp “thay lời muốn nói” hay bông hoa của lòng biết ơn được cài trên ngực, cả giáo viên và phụ huynh ngậm ngùi rơi lệ. Đây là giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy con em mình đã lớn khôn, “đôi cánh” đủ rộng để bay cao, bay xa với những ước mơ và hoài bão. Song, mỗi khi gặp va vấp trên đường đời, các em hãy nhớ rằng, vẫn có vòng tay ấm áp của gia đình, thầy cô đón chờ, đừng tự đánh mất mình”.
Tuổi 18 - tuổi của ước mơ, của tuổi trẻ, mấy ai có thể mạnh dạn nói tiếng cảm ơn, hay xin lỗi trước đám đông. Điểm đặc biệt tạo nên điểm riêng cho buổi lễ tri ân và trưởng thành là khi ta được nghe tiếng cảm ơn và lời xin lỗi nhiều hơn. Nó cứ thế vang lên theo nhịp đập con tim khiến bất cứ ai cũng dễ dàng rơi lệ. Khi rời xa mái trường, phía trước các em là đường đời muôn nẻo. Dĩ nhiên, mỗi em sẽ chọn lối rẽ và đích đến cho riêng mình. Phía trước là cuộc đời - đang rộng mở với bao niềm vui và thử thách. Song cha mẹ và thầy cô sẽ mãi là chỗ dựa tinh thần, bờ vai vững chắc khi con mình cần đến. Chỉ cần điều duy nhất là các em không vì những khó khăn, thử thách nhất thời mà gạt đi ước mơ và tài năng của bản thân. “Sống tử tế, làm người lương thiện và sẵn sàng biết cho đi” chính là thông điệp mà những người nuôi nấng, dưỡng dục, dạy bảo mong muốn ở các em khi ra đời.
Tình cảm gia đình, tình thầy trò luôn là tình cảm thiêng liêng nhất. Đừng vì sự ngại ngùng hay cái tôi nhất thời mà làm mất đi giá trị quý báu của 2 tiếng cảm ơn cha mẹ, thầy cô - những người yêu thương, dìu dắt mình. Hãy để buổi lễ tri ân và trưởng thành diễn ra và khép lại bằng giọt nước mắt hạnh phúc, sự thổn thức, quyến luyến vì không nỡ xa nhau, làm hành trang, động lực cho chặng đường đời phía trước.
Cô Ánh Hồng vẫn tỏ vẻ suy tư khi ý nghĩa ngày lễ tri ân và trưởng thành ngày nay không được trọn vẹn. Theo cô, có thể vì thời đại của kỷ nguyên số, mọi thứ dường như dễ chia sẻ trên mạng xã hội hơn, nên cách bày tỏ tình cảm của học sinh có phần bị rụt rè, hạn chế hơn. “Không ít em đã thật thà bày tỏ với tôi rằng, mình không biết viết thư gửi cho cha mẹ ngày lễ tri ân và trưởng thành. Có em hồn nhiên nghĩ rằng, nhắn tin qua điện thoại hay facebook, zalo đơn giản hơn nhiều” - cô Ánh Hồng tâm sự. |
PHƯƠNG LAN